12:08 27/12/2011

Tái cơ cấu theo ngành và lĩnh vực kinh doanh

Để doanh nghiệp nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất kinh doanh, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu trước mắt tái cơ cấu khối DN này sẽ tập trung vào các ngành và lĩnh vực là xuất bản, xổ số, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy lợi...

Để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất kinh doanh, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu trước mắt tái cơ cấu khối DN này sẽ tập trung vào các ngành và lĩnh vực là xuất bản, xổ số, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy lợi, thủy nông, nông, lâm, trường, quản lý và sửa chữa đường bộ, quản lý đường sắt... Đồng thời, chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp.

Chọn các ngành chủ lực

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tái cấu trúc các DNNN theo ngành hàng, lựa chọn các ngành hàng chủ lực cần lưu ý đến những thất bại của một số lĩnh vực ngành hàng mà chúng ta đã vấp phải, ví dụ như ngành ô tô. Việc không xây dựng được một ngành công nghiệp phụ trợ khiến cho mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như xuất khẩu mặt hàng này của nước ta không đạt được như kỳ vọng. Ngay cả những ngành hàng được coi là thành công như dệt may, da giày thì công nghiệp phụ trợ cũng gần như không có.

Trình diễn máy cấy KUBOTA ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Hiện nay, sản xuất công nghiệp thiếu sự gắn kết với các ngành nông nghiệp. Máy móc, vật tư cho sản xuất nông nghiệp... phần lớn chúng ta phải nhập khẩu. Đó là một thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp khi không biến được cả một vùng nông thôn rộng lớn thành thị trường nội địa cho công nghiệp. Do đó, trong giai đoạn tới, khi chọn lựa ngành hàng chủ lực thì phải xây dựng ngay các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng đó.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng quá trình tái cấu trúc DN được diễn ra theo xu hướng thành cơ cấu kinh tế hai tầng - với tầng trên là các DN lớn, mạnh cả về tài chính, công nghệ, hoạt động xuyên quốc gia và tổ chức theo mô hình tập đoàn, công ty mẹ - con, còn tầng dưới là các DN vừa và nhỏ được chuyên môn hóa sâu và có quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các DN khác, đồng thời chủ động tham gia liên kết vào các khâu của chuỗi giá trị kinh doanh toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, mỗi DN nên vừa có sự chuyên môn hóa sâu trong sản xuất - kinh doanh, vừa có sự năng động cao, sẵn sàng điều chỉnh, thay đổi, đa dạng hóa các mẫu mã, sản phẩm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước những biến động nhanh chóng của thị trường và đơn đặt hàng của đối tác. Lao động trong các DN và trên thị trường lao động nói chung cũng nên có tính linh hoạt nhiều hơn và dần phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cần rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện trong năm 2012 để tạo ra chuyển biến căn bản về sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực.

Trọng tâm là các tập đoàn kinh tế

Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu trong quý 1/2012, các Bộ quản lý ngành phải xây dựng phương án tái cơ cấu DNNN theo ngành và lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực.

Việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (TCT) nhà nước theo hướng tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước chỉ kinh doanh những ngành chính và những ngành có liên quan phục vụ trực tiếp cho phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành chính. Đối với những ngành kinh doanh không liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015.

Cụ thể, bán phần vốn của công ty mẹ, tập đoàn/TCT nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ. Sau khi thoái vốn, các DN này không còn nằm trong cơ cấu của tập đoàn, TCT nhà nước.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trên cơ sở xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh, các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015 sao cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành với nhu cầu của thị trường, khả năng nguồn vốn và năng lực quản lý của mình. Bên cạnh đó, triển khai tái cơ cấu các DN thành viên để chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực. Đồng thời kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những DN hoạt động hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Mai Phương