09:06 24/09/2014

Tái cơ cấu ngành trồng trọt từ lúa gạo

Trồng trọt chiếm tới một nửa giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua, tăng trưởng của ngành đang có xu hướng chậm lại.

Trồng trọt chiếm tới một nửa giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua, tăng trưởng của ngành đang có xu hướng chậm lại. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lúa, cà phê và điều sẽ là những nhóm ngành chủ lực để tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt trong thời gian tới.

 

Định hướng vùng sản xuất


Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó tạo tiền đề cho ngành trồng trọt thực hiện tái cơ cấu.

 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Anh Minh - TTXVN


Trong ba ngành hàng chủ lực được chọn để tái cơ cấu, lúa gạo là ngành được đặc biệt quan tâm, vì đây là ngành hàng truyền thống lâu đời của Việt Nam. Thực tế, suốt từ năm 2013 đến nay, công tác tái cơ cấu ngành lúa gạo cũng đã được Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai và đạt được những kết quả nhất định.


“Tái cơ cấu ngành trồng trọt cần phải thay đổi tư duy cũ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết... sang sản xuất lớn, liên kết chặt chẽ các khâu, bền vững và nâng cao giá trị cho toàn thành phần trong chuỗi sản xuất. Đặc biệt, quan tâm tới thu nhập của nông dân”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Cao Đức Phát

Theo NN&PTNT, năm 2013, có 13 tỉnh Nam Bộ xây dựng 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích khoảng 120.500 ha; các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã xây dựng được 1.265 mô hình với diện tích là 35.518 ha.


Từ đầu năm 2014 đến nay, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộng trên cả nước, quy mô hàng trăm nghìn ha. Vụ hè thu 2014, ở ĐBSCL có trên 100 nghìn ha lúa được các DN thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ.


Tuy nhiên, việc liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo. Một số doanh nghiệp viện cớ để không mua lúa gạo cho người nông dân. Nông dân vẫn là nhóm yếu thế và chịu thiệt thòi nhất. Nông dân đầu tư tới 83% giá trị nhưng chỉ hưởng lợi 53%, trong khi khâu dịch vụ chỉ bỏ ra chưa đầy 30% nhưng lại được hưởng lợi tới gần một nửa giá trị của hạt gạo.


Để đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu sản phẩm lúa gạo, “Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Ban chỉ đạo nghiên cứu lúa gạo và hiện đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam”, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.


Theo CụcTrồng trọt, lúa gạo là ngành có lợi thế, chiến lược của Việt Nam. Năm 2013 nhu cầu lúa gạo toàn cầu là 13 triệu tấn, tới năm 2020 là 45 triệu tấn. Như vậy, nhu cầu lúa gạo vẫn tăng mạnh và Việt Nam sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.

Cũng theo ông Phạm Đồng Quảng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp định hướng vùng ĐBSCL tập trung vào thị trường xuất khẩu, sử dụng giống lúa chất lượng gạo trắng, hạt dài, các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh với các giống cùng nhóm trên thị trường thế giới.


“Vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa còn lại chủ yếu sử dụng các giống lúa có chất lượng gạo, cơm ngon phù hợp với người tiêu dùng trong nước. Cơ cấu giống lúa theo yêu cầu của thị trường, hợp đồng với DN theo hướng “cánh đồng một giống” ông Quảng nói.


Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, diện tích liên kết, sản xuất tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 50% diện tích tại các vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã có đề án phát triển bền vững ngành cà phê, điều từ nay tới năm 2020, trong đó chú trọng tới việc tái canh cây cà phê.


Nâng cao chất lượng nông sản


Một trong những nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam kém cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các nước là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).


Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), khi có dịch bệnh xảy ra, chúng tôi xuống thăm đồng ruộng thì câu đầu tiên bà con hỏi là: có thuốc gì để diệt trừ dịch bệnh cho cây lúa, mà họ không hề nghĩ tới các biện pháp sinh học khác. Thực tế, các loại thuốc BVTV được sử dụng tràn lan. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 80% bà con nông dân sử dụng sai mục đích các loại thuốc BVTV.


Theo ông Hồng, dư lượng thuốc BVTV trên nông sản là trở ngoại lớn nhất đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có lúa gạo. Ví dụ, xuất Thanh Long sang Mỹ có giá trị cao gấp 10 lần bán trong nước nhưng những rào cản rất khắt khe về an toàn thực phẩm, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua, lúa gạo cũng vậy.


Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay, mối lo ngại chính của người dân chính là chất lượng lương thực, dư lượng thuốc BVTV trong nông sản. Do vậy, ngành nông nghiệp cần cắt giảm 50% dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.


Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, để làm được điều này, khâu quan trọng nhất là tuyên truyền, tập huấn, đào tạo để nông dân hiểu và sử dụng đúng cách. Ngoài ra, sẽ phải xây dựng lại hệ thống BVTV ở nông thôn để nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới cho công tác kiểm định. Như vậy, việc sử dụng thuốc BVTV sẽ được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn.


Hữu Vinh