12:09 21/12/2011

Tái cơ cấu nền kinh tế - Định hướng cơ cấu lại

Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã bàn và quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã bàn và quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, trong 5 năm tới, việc cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Đề án tổng thể Tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công

Đầu tư công bao gồm đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước; vay nợ: Bao gồm vay nước ngoài, chủ yếu là ODA và phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước; tín dụng đầu tư phát triển; đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nhà nước (DNNN); các nguồn khác, như đầu tư của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Lễ ký kết thỏa thuận hợp nhất ba ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nêu rõ: Cơ cấu lại đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa phải được thực hiện cụ thể, liên tục trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải cắt giảm gắn liền với nâng cao hiệu quả đầu tư công, dành thêm nguồn từ ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực xã hội; đồng thời phải có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói. Theo hướng này, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch và các quy định về phân cấp đầu tư, bảo đảm mỗi dự án khởi công mới đều phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, tính cấp thiết, mục tiêu, quy mô, nguồn vốn trước khi quyết định đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp thiết và là một trong 3 nội dung quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế. Theo hướng đó, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo xác định rõ chức năng của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổng kết đánh giá mô hình quản lý, hiệu quả hoạt động, xác định rõ phạm vi, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và phê duyệt phương án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ngay trong năm 2011, căn cứ phương án tổng thể, Chính phủ xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện đa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn và tổng công ty; chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhằm thực hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước đồng thời với việc kiện toàn về tổ chức và quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; trước năm 2015, thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một quá trình không dễ dàng, Chính phủ sẽ quyết tâm hành động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để thực hiện thành công nhiệm vụ này, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại sẽ theo hướng cơ cấu lại để có hệ thống ngân hàng thương mại được quản trị tốt, hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường với đại bộ phận là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh. Hệ thống ngân hàng từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, xây dựng phương án tổng thể cơ cấu lại toàn bộ hệ thống với mục tiêu, mô hình và cơ chế chính sách phù hợp. Hệ thống ngân hàng được tái cấu trúc trên cơ sở có cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.

Cùng với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Chính phủ cũng yêu cầu cơ cấu lại và phát triển mạnh các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Mai Phương