12:10 09/12/2011

Tái cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001 – 2010.

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001 – 2010. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục trong 20 năm qua, nhất là 10 năm gần đây.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, nhất là đóng góp vào Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp sắp được phê duyệt, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh chính trị; an ninh năng lượng, lương thực… của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu để doanh nghiệp làm tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn với nguồn lực được giao.

Bày tỏ đồng tình với báo cáo đánh giá của nghị Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sau 10 năm thực hiện, các cơ quan chức năng đã xây dựng được hệ thống thể chế khá đồng bộ, trong đó có thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; thể chế quản lý của chủ sở hữu; thể chế đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước quản lý sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… Bên cạnh đó, trong thực hiện việc sắp xếp đã giảm mạnh được số doanh nghiệp nhà nước nhỏ, những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, từ đó các doanh nghiệp này có điều kiện tập trung vào những ngành nghề chính, những ngành nghề cần nắm giữ để Nhà nước điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Qua sắp xếp, quy mô của doanh nghiệp ngày lớn lên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng tăng lên; thu nhập của người lao động không ngừng được cải thiện… Đặc biệt, những kết quả đạt được trong cổ phần hóa đã tạo ra cơ chế đa sở hữu, tạo động lực mới và cơ chế quản lý mới cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động năng động, hiệu quả hơn; quản trị minh bạch, công khai hơn.
Theo Thủ tướng, nhìn chung doanh nghiệp nhà nước đảm bảo yêu cầu mà Nhà nước giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế như: Đảm bảo an ninh năng lượng, thị trường tiền tệ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong những lĩnh vực mà tư nhân chưa thể làm được như hàng không, viễn thông, xây dựng các công trình lớn, các lĩnh vực an ninh quốc phòng… kết quả đó đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.

Vận hành hệ thống thu gom khí Rạng Đông-Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thể chế quản lý chưa đồng bộ, còn vướng mắc, còn chưa phù hợp; hoạt động cổ phần hóa còn chậm; nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa làm tốt vai trò và nhiệm vụ được giao, hiệu quả kinh doanh thấp; một số doanh nghiệp để thua lỗ kéo dài; một số doanh nghiệp để xảy ra tiêu cực, sai phạm, làm ảnh hưởng tới uy tín chung của doanh nghiệp nhà nước… là nguyên nhân cần phải tập trung làm rõ và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu kiên định là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hay nói cách khác là tái cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả cao hơn so với nguồn lực được giao; làm tốt vai trò, chức năng được Đảng và Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó có vấn đề đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, quản lý kinh doanh tại doanh nghiệp, công tác cán bộ và tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Hoàn thiện công tác quản lý nông lâm trường quốc doanh, trong đó thực hiện đổi mới cơ chế quản lý và cổ phần hóa các nông trường (cao su, cà phê, chè), xây dựng mô hình quản lý lâm trường theo hướng lập Ban quản lý gắn với khoán cho người dân…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải phê duyệt xong phương án cơ cấu lại trong năm 2011, trong đó cổ phần hóa những doanh nghiệp không cần giữ vốn, rút vốn đầu tư ngoài ngành, đồng thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước. Đảm bảo đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm và nghiêm túc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan tới tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ngay sau khi Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp được phê duyệt vào thời gian tới.

Hội nghị đã tập trung đánh giá lại hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới.

Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị xác định rõ việc phân loại và thực hiện cơ cấu lại trên 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có đến năm 2015 theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất. Tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực… Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong doanh nghiệp nhà nước ở 5 nội dung là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội và đẩy mạnh quy chế phối hợp.

Hàng loạt các giải pháp thực hiện cũng được đề ra, trong đó có việc tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2011 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và chỉ đạo thực hiện quyết liệt; tập trung hoàn thiện khung khổ pháp luật và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo đúng các phương án đã được phê duyệt; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước;…

Ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ khoan và thăm dò dầu khí (PVD): "Cổ phần hóa giúp thu hút nhiều nguồn lực cho DN phát triển" Nhờ cổ phần hóa, Tổng công ty đã thu hút được nguồn vốn lớn của ngoài xã hội. Trước cổ phần hóa, vốn của doanh nghiệp chỉ khoảng 680 tỷ đồng, sau cổ phần hóa vốn điều lệ tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 8,5 lần, nếu trước kia chỉ hơn 700 tỷ đồng thì nay hơn 6.000 tỷ đồng. Nhờ cổ phần hóa, thu hút nguồn vốn xã hội nên Tổng công ty đã đóng được 5 giàn khoan, một giàn khoan đất liền hiện nay đang khoan ở Angiêri. Bốn giàn khoan biển thế hệ mới, trong đó có giàn khoan sử dụng công nghệ mới rất cao, tự động hóa cao, có thể khoan được khu vực nước sâu. Điểm thứ hai, sau cổ phần hóa, DN trở nên năng động, chủ động, DN phát huy được ngành dịch vụ thế mạnh của mình, không bị khống chế với những kế hoạch điều hành như trước đây nữa. Vì thế, DN có điều kiện tốt hơn để phát triển nguồn lực về con người, hoạt động chuyên nghiệp hóa hơn. Nhờ có cổ phần hóa và có thể thu hút nguồn lao động chất xám cao, giúp doanh nghiệp có thể đem lại những chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Tuân- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vinaconex: "Chú trọng đảm bảo quyền lợi cho người lao động" Vinaconex là Tổng công ty đầu tiên thực hiện thí điểm cổ phần hóa toàn Tổng công ty theo quyết định của Chính phủ. Qua 4 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã có bước phát triển vượt bậc về sản xuất kinh doanh so với thời điểm trước cổ phần hóa. Điều này khẳng định tính hiệu quả trong việc cổ phần hóa DN nhà nước. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cổ phần hoá DN nhà nước là chính sách chung nhưng vẫn phải có hướng dẫn cho từng loại hình, từng ngành DN, người lao động trong các DN cần phải được quan tâm đặc biệt và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi, khi là DN nhà nước thì người lao động làm chủ nhưng sau cổ phần hóa thì họ lại trở thành người làm thuê nên cần phải có cơ chế để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thu hường



Thiện Thuật