Vì sao đầu tư công cao, hiệu quả thấp?

Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi hàng trăm nghìn tỉ đồng đầu tư vào các công trình, dự án cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm vào các dự án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả đầu tư công vẫn còn nhiều thách thức.

 

Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ GTVT) triển khai thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái nguyên tại km 45+100 thuộc địa phận huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong chục năm lại đây tổng vốn đầu tư trong xã hội liên tục tăng cao. Nếu như năm 2000, tổng số vốn đầu tư là 115 nghìn tỷ đồng thì năm 2010 đã lên hơn 400 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần 3,5 lần, bình quân mỗi năm tăng 13,9%.

 

Vốn đầu tư tăng nhưng hiệu quả có song hành?


Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (Kiểm toán Nhà nước), thước đo hiệu quả vốn đầu tư thường được dùng phổ biến hiện nay là hệ số suất đầu tư (ICOR), hay còn gọi là hệ số sử dụng vốn, hệ số đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm. Giai đoạn 1996 - 2000, chỉ số ICOR của Việt Nam là 5,8 (tức là cần 5,8 đồng vốn để tạo ra một đồng tăng trưởng).


Giai đoạn 2001-2005 chỉ số ICOR của Việt Nam là 6,6. Đến năm 2010 chỉ số ICOR là khoảng 8. Trong khi với các nước trong khu vực, chỉ số này dao động trong khoảng từ 2 - 4, tức chỉ cần 2 đến 4 đồng vốn đã tạo ra một đồng tăng trưởng. Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của nước ta chưa cao.


Chỉ ra nguyên nhân hiệu quả đầu tư công thấp, ông Hòa cho rằng, trước hết là do phân cấp đầu tư quá rộng, lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng bộ, ngành, địa phương… phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước.


Do đầu tư phân tán, vốn được phân bổ vào quá nhiều dự án nên các dự án thường bị thiếu vốn và kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và chậm đưa công trình vào sử dụng, gây lãng phí.


Tình trạng các địa phương cùng cạnh tranh để thu hút đầu tư công dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún và hiệu quả đầu tư không cao. Với quy mô của nền kinh tế chỉ hơn 120 tỉ USD nhưng cả nước có đến 100 cảng biển, 28 sân bay, 18 khu kinh tế ven biển, 260 khu công nghiệp, 27 khu kinh tế cửa khẩu và khoảng 650 cụm công nghiệp, hơn 100 ngân hàng…


“Tỷ lệ bỏ hoang trên 50% diện tích của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phát triển không hiệu quả, đã làm lãng phí đất bờ xôi, ruộng mật. Nếu không có chính sách để kiểm soát, tình hình này sẽ có nguy cơ tác động đến an ninh lương thực trong tương lai không xa”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh.

 

Thiếu và yếu về quản lý, giám sát


“Nhiều gói thầu khi triển khai thi công không đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; chợ xây xong không có người sử dụng, khu công nghiệp không có nhà ở cho công nhân, nhiều biệt thự ở các khu đô thị mới bỏ hoang, nhưng lại thiếu trường học, bệnh viện, trường mẫu giáo… cho thấy nguồn vốn đổ vào các dự án này bị lãng phí nghiêm trọng...”, TS. Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, nêu thực tế. Ông cho rằng, xảy ra các công trình, dự án bị lãng phí trên là do nhiều quyết định đầu tư không đúng với nhu cầu thực tiễn.


Đầu tư công bằng nguồn vốn nhà nước, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các vốn khác do Nhà nước quản lý để Nhà nước thực hiện những chức năng cơ bản của mình.

Với góc nhìn của chuyên gia giám sát vốn, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nguyên nhân vốn đầu tư công bị sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả là do việc quản lý, giám sát vốn đầu tư công hiện nay vừa thiếu, vừa yếu.


Ông Tự cho biết, số lượng dự án được kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hiện nay rất ít so với tổng số dự án, tổng số vốn đầu tư. Các cuộc thanh tra, kiểm tra các công trình cho thấy, nhiều dự án có sai phạm trong khâu lập thủ tục đầu tư, thiết kế, đấu thầu, sử dụng vốn đầu tư sai mục đích, nghiệm thu, thanh toán khống, quyết toán sai so với khối lượng thực tế đã thi công, đơn giá, định mức... gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.


Đồng thuận với đánh giá trên, chuyên gia kiểm toán tài chính công, ông Trương Văn Tạo, Phó Kiểm toán trưởng, Chuyên ngành IV (Kiểm toán Nhà nước) phản ánh từ góc độ ngành kiểm toán: Các cuộc kiểm toán vốn đầu tư công của Kiểm toán Nhà nước hiện nay chỉ chọn mẫu mà chưa đủ nhân lực, kỹ thuật để triển khai kiểm toán 100% các đơn vị trong kế hoạch.


Vì vậy, vẫn chưa có điều kiện để đi sâu phát hiện các gian lận trong công tác thiết kế, lập biện pháp tổ chức thi công. Trong khi đây là tiền đề làm tăng chi phí, gây lãng phí và thất thoát vốn đầu tư.


Phân tích hậu quả của vốn công bị thất thoát, lãng phí, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả sẽ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, làm suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia.


Nguy hại hơn, khi vốn bị thất thoát, lãng phí còn làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực to lớn và kéo dài khác, như: Tăng sức ép lạm phát trong nước, mất cân đối vĩ mô - trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy - tiêu dùng, cũng như mất cân đối và gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, địa phương và bộ phận dân cư trong xã hội.


Bên cạnh đó, đầu tư công kém hiệu quả làm tăng gánh nặng nợ công của đất nước, nhất là nợ nước ngoài.

Vì sao đầu tư công cao, hiệu quả thấp?
Vì sao đầu tư công cao, hiệu quả thấp?

Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi hàng trăm nghìn tỉ đồng đầu tư vào các công trình, dự án cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN