Vẫn 'bí đầu ra' cho cây lúa miền Bắc

Để tăng giá bán lúa cho nông dân, Nhà nước đã có chính sách thu mua tạm trữ sau mỗi vụ thu hoạch đông xuân và hè thu. Tuy nhiên, tác dụng “đẩy” giá bán lúa của chính sách này đối với các tỉnh miền Bắc không đáng kể. Thực tế cho thấy, chỉ có bao tiêu sản phẩm là hướng đi đúng đắn để hóa giải khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo ở miền Bắc.

 

Khó nhất là bí “đầu ra”


Lời giải cho bài toán giá lúa thấp sau mỗi vụ thu hoạch là nhiều năm qua, Nhà nước đã có chính sách mua tạm trữ gạo để thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước. Mới đây, nhờ có chính sách thu mua tạm trữ gạo của Chính phủ, giá lúa đã tăng (giá lúa tháng 8 đã tăng 2,5 - 3% so với giá lúa tháng 7).


 



Nông dân bán lúa cho thương nhân. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Tuy nhiên, chính sách này hầu như không tác động đến giá lúa miền Bắc, nơi được coi là sản xuất lúa mang tính tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa chưa rõ nét. Theo đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cũng như các tỉnh miền Bắc, lâu nay Thanh Hóa sản xuất lúa tự cung tự cấp là chủ yếu, nên mặc dù có quy định tạm trữ nhưng không có doanh nghiệp thu mua theo chính sách này tại địa phương. Việc thu mua tạm trữ vẫn có nhưng hình thức là thu mua nhỏ lẻ, không có doanh nghiệp thu mua lớn. Hình thức thu mua chủ yếu là qua các thương lái “hàng xáo”.


Làm thế nào giúp nông dân từng địa phương tiêu thụ lúa tốt hơn vẫn đang là câu hỏi mà các địa phương khó trả lời. theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, không chỉ có cây lúa mà đối với bất cứ sản phẩm gì sản xuất ra, cây trồng cũng như vật nuôi, cái “bí” nhất của người nông dân hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.


Đại diện Hợp tác xã Thụy Dũng (Thái Thụy, Thái Bình) cũng rất ưu tư. Hợp tác xã chỉ biết hỗ trợ người nông dân làm ra sản phẩm, sản xuất với năng suất cao ít sâu bệnh. Còn việc tiêu thụ, hiện nay, không chỉ riêng hợp tác xã mà thậm chí cả huyện, tỉnh cũng đang chưa có cách tháo gỡ.


Chia sẻ khó khăn với người trồng lúa


Trong thời điểm giá lúa chưa được cải thiện, để giải bài toán “đầu ra” cho cây lúa nói riêng và các rau màu vụ đông nói chung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đặc biệt lưu ý đến việc phải liên kết sản xuất. “Các địa phương cần làm tốt công tác thông tin thị trường, tổ chức sản xuất tiêu thụ theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, liên kết chặt chẽ các hộ nông dân với các thương lái, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng, nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định”.


Với đặc thù diện tích bình quân đầu người thấp nên Sở NN&PTNT Nam Định cũng cho biết địa phương không có cơ chế riêng để hỗ trợ tiêu thụ. Việc tiêu thụ phụ thuộc vào chính sách chung của cả nước. Đối với một số hộ sản xuất lúa chất lượng cao, đàm phán được với doanh nghiệp thu mua nên đầu ra được bảo đảm và giá tốt hơn. Tuy nhiên, do đặc thù loại giống này, tỉnh chỉ khuyến cáo sản xuất trong vụ xuân với diện tích không quá 30% tổng diện tích gieo cấy.


Từ ví dụ của Nam Định, có thể thấy, để việc tiêu thụ lúa cho nông dân dễ dàng hơn, việc sản xuất phải theo mô hình bao tiêu sản phẩm. Ở Thái Bình, theo ông Trần Xuân Định, tỉnh đang bắt đầu triển khai thí điểm các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, có doanh nghiệp (Công ty An Đình, Công ty giống lương thực...) ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm (ví dụ, vùng sản xuất lúa RBT, lúa Bắc Thơm 7...). Các doanh nghiệp cung ứng giống và mỗi năm tiêu thụ vài nghìn tấn lúa, bà con không phải lo vấn đề tiêu thụ. Còn những vùng sản xuất lúa bình thường để tiêu dùng nhỏ lẻ, không có hợp đồng như xã Thụy Dũng rất khó.


Việc khuyến khích bà con triển khai lúa chất lượng cao cũng đang được triển khai ở Ninh Bình. Theo Sở NN&PTNT tỉnh này, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đặt kế hoạch mỗi năm sản xuất 30.000 ha lúa chất lượng cao. Nông dân sản xuất theo chương trình này sẽ được hỗ trợ về giá giống lúa mới, hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất lồng ghép, máy móc... Được hỗ trợ nên bà con rất hào hứng với chương trình này và trên thực tế, diện tích lúa chất lượng cao cũng đang tăng lên. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2011, tỉnh Ninh Bình cũng đã bắt đầu triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn.


Về cấp độ vĩ mô, theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), giá lúa thấp là do tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường. Trong thời gian qua, không riêng gì lúa gạo mà tiêu dùng các mặt hàng khác đều bị ảnh hưởng. Trong tình hình chung đó, người nông dân cũng phải chịu. Với điều kiện ngân sách có hạn, không thể hỗ trợ “đại trà” cho toàn quốc mà chỉ chọn vùng điểm để hỗ trợ thông qua chính sách tạm trữ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa của cả nước, chuyên sản xuất lúa hàng hóa. “Một chính sách cho miền Bắc để áp dụng như miền Nam là rất khó”, ông Phạm Đồng Quảng nói.


Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, liên quan đến việc hỗ trợ cho người trồng lúa, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ - CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, với mỗi hécta đất chuyên trồng lúa, người nông dân sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/năm. Chính sách này sẽ bắt đầu thực hiện từ 1/1/2013 sẽ phần nào chia sẻ khó khăn với người nông dân.


Trong khi chưa có các biện pháp trực tiếp gỡ khó về tiêu thụ thì một số địa phương san sẻ khó khăn với nông dân thông qua chính sách cơ giới hóa nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Thái Bình chủ trương hỗ trợ cho nông dân, nhóm hộ nông dân mua máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hợp... 50% giá. Những năm 2007 - 2008, tỉnh này chỉ hỗ trợ cho nông dân mua máy móc được sản xuất trong nước nhưng hiện nay, việc hỗ trợ này đã được điều chỉnh, bà con mua máy nhập khẩu cũng được hỗ trợ, với mức 50% giá của loại máy móc cùng loại được sản xuất trong nước có công suất tương đương. “Nhờ đó, thời gian làm đất được rút ngắn rõ rệt. Tất nhiên, nông dân phải thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện cụ thể, đáp ứng đầy đủ thủ tục cần thiết để được hỗ trợ”, ông Trần Xuân Định nói. Cách làm của Thái Bình cũng là một kinh nghiệm hay hỗ trợ cho người nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới.

 


Mạnh Minh

Nông dân miền Bắc chật vật vì giá lúa thấp
Nông dân miền Bắc chật vật vì giá lúa thấp

Chưa kịp mừng sau sau vụ đông xuân được mùa, nông dân nhiều tỉnh phía Bắc đã rầu rĩ vì giá lúa quá thấp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo lâu nay mới chỉ cải thiện được giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, còn đầu ra cho hạt gạo miền Bắc đang rất gian nan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN