Tín dụng chính sách: Tập trung cho đối tượng nào?

Dự thảo nghị định mới (dự thảo) về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) đã được Bộ Tài chính soạn thảo. Tuy nhiên, đang có những ý kiến khác nhau về đối tượng được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi.

“Phủ sóng” toàn quốc

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đó cũng là thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo. Qua 9 năm hoạt động, NHCSXH đã có mạng lưới hoạt động rộng khắp với sở giao dịch và 63 chi nhánh cấp tỉnh, 612 phòng giao dịch cấp huyện, trên 8.500 điểm giao dịch cấp xã, hơn 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Hộ nghèo ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


NHCSXH đã được Chính phủ giao thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến 31/3/2011, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 97.818 tỷ đồng, gấp 13,5 lần so với khi nhận bàn giao từ ngân hàng phục vụ người nghèo. Vốn chính sách ưu đãi đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giúp gần 2 triệu hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho hơn 2,1 triệu lao động; 1,9 triệu học sinh, sinh viên (HS, SV) được vay vốn để có thể tiếp tục học tập tới khi tốt nghiệp. Ngoài ra, vốn chính sách cũng góp phần tạo dựng trên 2,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 74.000 căn nhà cho các hộ vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long; 174.000 ngôi nhà cho các hộ nghèo hưởng chính sách theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg...

Tập trung trọng điểm nhưng cũng cần đồng bộ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung nghị định về tín dụng chính sách là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế. Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: Khó khăn lớn nhất của NHCSXH hiện nay vẫn là nguồn vốn. Với Nghị định 78, các tổ chức tín dụng nhà nước phải bắt buộc gửi 2% nguồn vốn huy động được để cho NHCSXH làm vốn cho vay. Nguồn vốn này khá lớn, đến nay đạt khoảng 12.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức tín dụng nhà nước đang dần cổ phần hóa, chỉ còn Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, nguồn vốn này đang nhỏ dần lại. Do đó, nghị định mới cần phải xã hội hóa nguồn vốn, kể cả vốn của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Về đối tượng cho vay, nhiều ý kiến cũng đề nghị mở rộng hơn so với dự thảo nghị định mới. Tại điều 8 của dự thảo này quy định đối tượng vay vốn chỉ gồm: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; HS, SV là con hộ nghèo. Như vậy, so với quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP, số đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi đã giảm bớt. Bà Khúc Thị Duyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình nhận xét: “Việc xây dựng mô hình nông thôn mới rất cần đẩy mạnh tín dụng chính sách. Ngoài cho vay phát triển kinh tế hộ nghèo thì các chương trình hiện tại như cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đều đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”. Cùng quan điểm này, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, nếu đối tượng cho vay giảm đi, những tỉnh còn nhiều hộ nghèo rất băn khoăn. Chiến lược của chính sách tín dụng đối với người nghèo cần phải đồng bộ, nếu không hiệu quả sẽ rất thấp.

Vấn đề ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo cũng đang là một khó khăn trong thực hiện tín dụng chính sách. Ông Nguyễn Huy Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Phú (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) thừa nhận: “Việc xác định thật "chuẩn" ranh giới nghèo rất khó khăn. Theo tiêu chí thì chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập 400.000 đồng/tháng, còn từ 401.000 đồng/tháng là hộ cận nghèo, chỉ hơn nhau có 1.000 đồng”. Còn ông Lê Văn Hết, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Trà (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), đánh giá: Trong thực tế, có nhiều đối tượng "ngấp nghé" rơi vào ngưỡng nghèo và không có tài sản thế chấp để vay vốn thương mại phát triển sản xuất nhưng "chiểu" theo chuẩn nghèo thì không được vay vốn NHCSXH.

Trong khi đó. riêng với tín dụng HS, SV, theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện đã bao gồm cả đối tượng là con các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất. Vậy nhưng cũng có ý kiến mở rộng đến cả các gia đình có thu nhập trung bình nhưng có từ hai con đi học trở lên được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN