Tìm hướng khơi thông dòng vốn cuối năm

Càng gần cuối năm, các doanh nghiệp (DN) càng cần vốn để sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, sức mua vẫn chậm, nguồn vốn dự trữ đã dần cạn kiệt nên nhiều DN muốn vay vốn để cải thiện kinh doanh nhưng không dễ. Trong khi đó, ngân hàng (NH) thừa vốn lại không thể cho vay. Do đó, tuần qua một số NH và DN đã cùng ngồi lại với nhau để tìm hướng khơi thông dòng vốn.

 

Vướng hàng tồn kho là chính


Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, trong quý III lạm phát giảm mạnh so với quý I và quý II, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa chỉ còn 13%/năm. Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay.


 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Hội sở Seabank, số 25 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

TS Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết: Nguyên nhân chính là hàng tồn kho tăng cao nhưng DN lại không chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả năng trả nợ ngân hàng nên khiến nguy cơ nợ xấu ở nhiều hệ thống NH tăng cao. Điều này vô hình trung đã khiến cho dòng vốn luân chuyển bị tắc nghẽn, tạo sự mất cân đối giữa huy động vốn và việc “bơm” vốn vào nền kinh tế. Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2012, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng khoảng 1,4% so với đầu năm, trong khi vốn huy động tăng trưởng trên 10%. Mặc dù nhiều NHTM đang tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm thông qua nhiều giải pháp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, đơn giản hóa thủ tục cho vay... nhưng vẫn chưa thể giải quyết bài toán đặt ra.


Trước tình hình trên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Phan Thanh Sơn cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, việc các NH đưa ra các chiến lược kinh doanh, cũng như các DN tìm và phát triển thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa là rất khó khăn. Đồng tình quan điểm, ông Phạm Thiện Long - Phó Tổng Giám đốc NHTMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) chia sẻ, cái khó của không ít ngân hàng hiện nay không chỉ là tìm kiếm khách hàng mới đáp ứng được điều kiện vay, mà còn phải lo giải quyết những khoản vay, khoản nợ cũ của khách hàng để cùng đồng hành chia sẻ khó khăn với DN.


Thực tế cho thấy, không ít ngân hàng đang vướng phải vòng luẩn quẩn khó gỡ, một mặt vừa phải đi tìm DN còn “sức khỏe” để hỗ trợ, tiếp sức; mặt khác phải cẩn trọng, rà soát đảm bảo không cho vay dưới chuẩn để tránh gây hệ lụy cho cả nền kinh tế. Điều này đã tạo nên một nghịch lý, hệ thống ngân hàng đang dư tiền nhưng khó cho vay, trong khi DN đang rất cần vốn, thiếu vốn nhưng không dám vay hoặc không đủ điều kiện để vay.

 

Cần sự liên kết giữa hai “nhà”


Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, muốn gỡ khó cho ngân hàng thì phải bắt đầu gỡ từng vướng mắc, nút thắt cho hoạt động DN để từ đó giải quyết khó khăn chung của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này không đơn giản. Phải tập trung vào những giải pháp căn cơ như tăng sức mua, tạo liên kết để các DN mua hàng của nhau từ đó giảm tỷ lệ hàng tồn kho, giãn giảm thuế tăng sức đề kháng cho DN... và quan trọng hơn là phải lấy lại niềm tin của thị trường. Theo đó, các DN cần phải tăng cường quản trị DN để có ngay những giải pháp tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. Cụ thể, DN cần mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh phân phối bán lẻ, tiết kiệm chi phí từ việc tổ chức lại sản xuất, cắt giảm khâu trung gian đến cả việc sử dụng lao động để giảm giá thành sản phẩm.


Ngoài ra, NHNN nên cho phép các NHTM chủ động hơn trong khoanh nợ giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tiếp cận với nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu đẩy nhanh việc thành lập công ty mua bán nợ xấu. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn bảo lãnh để tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Một số DN cũng đề xuất, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bán hàng giảm giá, miễn thuế VAT hoàn toàn cho các sản phẩm đang tồn kho ứ đọng; làm cầu nối để các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, giảm thiểu nhập khẩu những nguyên liệu trong nước sản xuất được.


Tuy nhiên, ông Phan Thanh Sơn cho rằng, hiện hầu hết các DN còn hạn chế về kỹ năng quản trị, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực; nguồn vốn tự có thấp; việc lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế... Hơn nữa, hệ thống thông tin, kiểm soát hoạt động của DN chưa đồng bộ và thống nhất... khiến khả năng vay vốn càng khó khăn hơn. Vì thế, giải pháp cho các vấn đề này phải xuất phát từ hai phía.


Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Cao Sỹ Kiêm cũng đề xuất, trong thời gian tới, các NH cần phân loại DN để có hướng đầu tư tập trung; đồng thời xem xét cho vay vốn lãi suất thấp đối với những dự án có hiệu quả; hỗ trợ DN hoàn tất các thủ tục vay. Ngược lại, các DN muốn đạt được mức độ tín nhiệm cao, được vay nhiều vốn thì cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ như tiết kiệm chi phí, giảm các tiêu hao trong sản xuất, kinh doanh, kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại sản xuất... Về phía Hiệp hội DNVVN, sẽ có kế hoạch hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nguồn vốn, tìm hiểu pháp lý, nắm bắt thông tin, làm cầu nối cho DN giúp đỡ lẫn nhau.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN