Thiệt hại ‘kép’ từ cuộc đua ‘siêu’ lãi suất

Liên tục trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Trong đó, một số ngân hàng tăng lãi suất theo hình thức chứng chỉ tiền gửi gần 9%/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua “siêu” lãi suất theo hình thức chứng chỉ tiền gửi đang có dấu hiệu lách luật, mặt khác cuộc đua này đang gây áp lực lên lãi suất vay.

Dễ mất tiền oan

Trước đó, Báo Tin Tức đã có bài “Lãi suất huy động nhiều ngân hàng tăng cao gần 9%” phản ánh cuộc đua lãi suất của các ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Luật sư, Tiến sỹ (LS.TS) Bùi Quang Tín cho rằng, nguyên nhân khả năng nhiều ngân hàng đang gần bị chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, vì thế việc đua huy động vốn trung dài hạn để bù lại khoản nguồn cho vay tương ứng, đặc biệt là cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang rất cần một lượng vốn trung, dài hạn cực lớn.


Ngoài ra, các ngân hàng còn bị tác động bởi quy định trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Nhiều ngân hàng đã đạt tỷ lệ 50% nên việc tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung, dài hạn chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân.

Việc đua huy động vốn trung dài hạn để bù lại nguồn cho vay trong lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây. Ảnh: CTV

Chưa kể, các công ty tài chính hiện nay cũng đẩy lãi suất tiền gửi lên, thậm chí tới 11%. Dù đối tượng của nó chỉ là các tổ chức nhưng cũng gây áp lực lên việc huy động vốn trung, dài hạn của các ngân hàng.


Tuy nhiên, LS.TS Tín cũng cảnh báo, người mua chứng chỉ tiền gửi cần cân nhắc khi tham gia dịch vụ này. Bởi điểm khác biệt là loại hình tiền gửi này có mức sinh lời cao và được chuyển nhượng cho người khác hoặc ngân hàng.


Ví dụ, khách hàng khi mua mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 tháng nhưng muốn rút tiền sớm, theo nguyên tắc, khách hàng không được rút tiền trước hạn nhưng được để rút được tiền thì phải thế chấp chứng chỉ tiền gửi để vay lại với lãi suất bằng lãi suất thể hiện trên chứng chỉ tiền gửi cộng với biên độ 2,5%.


Ngoài ra, khách hàng còn có thể bán chứng chỉ tiền gửi cho người khác, giá cả chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận. Khi đó, khách hàng sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền và không thu phí giao dịch.


Chẳng hạn, cá nhân thế chấp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8,8%/năm, NH sẽ cho vay lại với thời hạn 5 năm, lãi suất gấp 1,5 lần, tính ra lãi suất cho vay khoảng 13,2%/năm, cao hơn lãi suất vay mua nhà, ô tô… mà các NH đang áp dụng là 9%-11%/năm.


Với mức lãi suất cao như vậy, người gửi tiền theo chứng chỉ tiền gửi có nguy cơ mất tiền oan nếu không tìm hiểu kỹ.


Sức ép lãi suất cho vay


Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, cuộc đua huy động lãi suất chứng chỉ tiền gửi còn tạo sức ép cho lãi suất huy động thông thường và lãi suất cho vay nhích dần lên, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp lo lắng.


Có thể thấy, biểu lãi suất huy động trung và dài hạn của một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ như NH TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) đang nhích lên cao nhất với 7,8%/năm, kỳ hạn từ 18 – 60 tháng. Với các ngân hàng lớn như VietBank, biểu lãi suất cũng có sự điều chỉnh lên tới 7,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Việc đua lãi suất huy động có thể khiến lãi suất cho vay nhích lên, gây áp lực cho các doanh nghiệp cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hải Yên

Theo tính toán của LS.TS Tín, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay tính theo công thức: lãi suất cho vay=lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng+biên độ 3-5%, tùy theo từng ngân hàng. “Với công thức này, khi xác định lại lãi suất vay chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất cho vay của các doanh nghiệp”, chuyên gia Tín nhận định.


Dù vậy, so với lãi suất trung bình của khu vực, như ngân hàng Thái Lan cho vay với lãi suất 12%/năm, một số nước Đông Nam Á khác có mức lãi suất cho vay từ 10-15%/năm, chuyên gia Tín cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng Việt Nam không phải là quá cao. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động thông qua kênh chứng chỉ tiền gửi lên cao dẫn tới cuộc chạy đua về lãi suất huy động, đặc biệt ở kỳ hạn trung, dài hạn sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.


"Thực tế, từ trước đến nay, trong các hợp đồng vay vốn, các điều khoản dường như có lợi cho phía các tổ chức tín dụng nhiều, còn khách hàng chỉ được thỏa thuận ở góc độ lãi suất mà thôi. Cho nên, nói về sự cân bằng trong thỏa thuận, sự bình đẳng giữa khách hàng và tổ chức tín dụng vẫn có sự nghiêng về các tổ chức tín dụng", chuyên gia Tín nói.


Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng không nên quá lo lắng trước việc vài NH đẩy lãi suất huy động lên cao qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi vì không phải khách hàng nào cũng thích gửi tiền từ 5-7 năm, nhất là trong bối cảnh ẩn số lạm phát những năm tới là khó đoán.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản
Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản

Ngân hàng trung ương Nga ngày 24/3 quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 10% xuống còn 9,75%. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng trung ương Nga kể từ tháng 9/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN