Thị trường tài chính - chứng khoán sẽ cải thiện vào cuối năm 2012

Để kiềm chế lạm phát, năm 2011, Chính phủ tiếp tục các giải pháp tài chính như thắt chặt tiền tệ. Điều này khiến lĩnh vực đầu tư bất động sản và chứng khoán bị sụt giảm mạnh. Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2012 các ngành trên vẫn tiếp tục khó khăn trong 2 quý đầu, nhưng sẽ có sự cải thiện vào cuối năm.

Lãi suất khó giảm

Theo TS. Đinh Thế Hiển – Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, năm 2011, lạm phát tăng lên tới trên 18%, mức tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm qua, được xem là hậu quả của việc thâm dụng vốn, đầu tư công lớn và thiếu hiệu quả, bất động sản (BĐS) được đầu tư quá mức từ nguồn vốn vay của ngân hàng (NH). Hệ quả là lãi suất huy động và cho vay đều tăng rất mạnh, đồng thời nguồn cung tiền của NHNN và cho vay của NHTM đều giảm mạnh theo chủ trương thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Điều này đã gây khó khăn toàn diện cho sản xuất kinh doanh (SXKD) và an sinh xã hội. Do vậy, năm 2012 cần phải nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự báo TTCK sẽ có làn sóng nhỏ vào cuối năm 2012.


Tuy nhiên, vấn đề về lạm phát và tiền tệ có nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc nền kinh tế. Vì thế, các chính sách và giải pháp của Chính phủ trong năm 2012 vẫn thiên về kiểm soát tiền tệ, chuyển hướng dòng vốn vào khu vực nông nghiệp và sản xuất, hạn chế dòng vốn vào BĐS với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến trong khoảng 15 – 17%.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2012, thị trường ngoại hối sẽ chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống NHNN, dự trữ ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng, yếu tố áp lực lên tỷ giá vẫn còn vì phụ thuộc vào tình hình lạm phát, cán cân thanh toán và chính sách tiền tệ cũng như những giải pháp xử lý mang tính “thời vụ” của NHNN. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp lẫn gián tiếp năm 2012 có xu hướng giảm và bất ổn, đặc biệt là vốn gián tiếp giảm do xu hướng thoái vốn của các quỹ đầu tư. Trong tình hình kinh tế nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn như thiếu vốn, lãi suất cho vay của các NHTM vẫn ở mức cao, khan hiếm ngoại tệ…

Theo đó, dự kiến của NHNN, mặt bằng lãi suất sẽ không có gì thay đổi trong giai đoạn từ trước và sau Tết âm lịch. Tuy nhiên, đến cuối quý một, khi các điều kiện kinh tế trở nên ổn định hơn, sau khi cân đối các yếu tố vĩ mô khác, NHNN sẽ xem xét việc giảm dần lãi suất. Về đề án tái cơ cấu ngân hàng, NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2012 với những mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống. Như vậy, sẽ có từ 5 đến 8 ngân hàng được sáp nhập trong năm 2012.

TTCK sẽ có đợt tăng nhẹ trong quý 3

Cũng theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) hiện nay được xem là giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2006 đến nay, thậm chí là giai đoạn khó khăn nhất kể từ lúc ra đời. Đáng chú ý, từ tháng 6/2011, chỉ số trên 2 sàn liên tục giảm, kèm theo tâm lý bi quan của nhà đầu tư, bất chấp những đợt quay đầu nhẹ. Nhiều mã cổ phiếu đã giảm dưới mệnh giá, số cổ phiếu có giá 2.000 – 3.000 đồng/CP khá nhiều và chênh lệch rất xa so với giá trị sổ sách, dù đó là những công ty có tên tuổi và sản phẩm tốt.

Một số nguyên nhân tác động đến thị trường chứng khoán năm 2011 là sự thắt chặt tiền tệ của Chính phủ và suy giảm tăng trưởng tín dụng. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm, TTCK Việt Nam luôn dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng để bơm – nhồi, tạo nên những đợt sóng tăng giá chứ ít khi dựa vào khả năng sinh lời từ hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Với chủ trương kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã giảm mạnh việc cung tiền, kèm theo đó tăng trưởng tín dụng từ 38% năm 2010 xuống dưới 15% năm 2011 và lãi suất huy động có lúc lên tới 18 – 20% đã hạn chế dòng vốn tham gia thị trường.

Đầu tư vàng được đánh giá sinh lợi tốt và an toàn cũng là một nguyên nhân làm suy giảm nguồn vốn đầu tư vào TTCK. Giá vàng tăng mạnh năm 2011 đã đem lại mức lời cao cho người nắm giữ vàng và làm một lượng vốn chuyển từ chứng khoán qua vàng. Song song đó, BĐS trì trệ, nhiều nhà đầu tư phải bán cổ phiếu để trả nợ vay BĐS.

Chưa kể, sự thoái vốn mạnh của khối đầu tư nước ngoài làm nguồn cầu bị suy giảm mạnh. Trong khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam đều là các quỹ đóng và có thời hạn đóng quỹ trong năm 2011 – 2012. Với sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, sự trì trệ của TTCK khiến khả năng đóng quỹ, rút vốn rất cao so với khả năng tiếp tục duy trì và huy động thêm quỹ mới. Do vậy, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2011 đã ghi nhận tình trạng bán cổ phiếu để chuẩn bị đóng quỹ khá mạnh, dù thị trường đi xuống không phải là lúc thích hợp bán ra.

Những nhận định trên cho thấy, nhiều khả năng chứng khoán khó khăn trong 2 quý đầu năm 2012 và có đợt tăng đầu quý 3. Bởi trong giai đoạn đầu năm 2012, do nền kinh tế đang khắc phục các vấn đề nợ xấu của NH, nguồn vốn vẫn hạn chế và thiếu vắng dòng vốn nước ngoài nên TTCK vẫn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, khả năng ngưng giảm và đi ngang sẽ xuất hiện vào cuối quý 1, và tình hình sẽ được cải thiện vào cuối quý 2 khi lãi suất huy động thực sự giảm về dưới 12% cùng với CPI được kiểm soát tốt. Với diễn tiến này, cùng với sự thiết lập được cơ chế dẫn vốn vào khu vực SXKD xuất khẩu, nông nghiệp và tiêu dùng thì nhiều khả năng Chính phủ sẽ có đợt cung tiền ra để hỗ trợ kinh tế phát triển, giai đoạn này sẽ giúp chứng khoán có động lực đi lên vào đầu quý 3/2012, mặc dù đà tăng không thật sự mạnh mẽ.

Cơ hội đầu tư

Với diễn biến trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giai đoạn quý 1/2012 là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư chứng khoán mua vào. Nên ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu các ngành SXKD có doanh số tốt như xuất khẩu thủy sản, SX công nghiệp, hàng tiêu dùng, thương mại với giá đã giảm sâu vào cuối năm 2011 sẽ có cơ hội thu lợi nhuận tốt vào quý 3/2012.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mua BĐS. Năm 2011 dù BĐS có khó khăn, nhưng năm 2012 sẽ là năm các NHTM thực sự giải quyết vấn đề nợ BĐS của các chủ đầu tư, do vậy lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn hơn năm 2011 và giá BĐS có thể tiếp tục giảm. Theo đó, sẽ không có cơ hội đầu tư kiếm lời trong năm 2012. Tuy nhiên, với mức độ giảm sâu BĐS và chủ đầu tư buộc phải bán trả nợ NH sẽ xuất hiện cơ hội mua BĐS giá rẻ để tìm kiếm lợi nhuận trong 1 – 2 năm sau.

Về đầu tư vàng, theo nhận định của các tổ chức tài chính thế giới, năm 2012 giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, Ngân hàng hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs dự đoán giá vàng sẽ đạt bình quân 1.940 usd/oz trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng Vina, việc vàng có lập lại “thành tích” như năm 2011 hay không vẫn là một ẩn số bởi các dự báo kinh tế thế giới hoàn toàn có thể thay đổi. Một khi các nước mạnh ở khu vực châu Âu tìm ra giải pháp cho việc vực dậy các nước yếu trong khu vực, cũng như chỉ số việc làm và tăng trưởng Mỹ phục hồi rõ rệt trong quý 4/2011, lúc đó vàng có thể bị “đạp giá” mạnh làm cho những người ôm vàng bị thua lỗ. Mặt khác, năm 2012, thị trường vàng, USD sẽ được NHNN quản lý chặt hơn nên kênh đầu tư này sẽ kém hấp dẫn so với năm 2011.

Có lẽ, gửi tiền tiết kiệm được nhiều chuyên gia đánh giá là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh lạm phát đang đà giảm, các kênh đầu tư khác thì kém hấp dẫn và rủi ro cao. Theo tính toán của ông Nguyễn Trung Anh, lãi suất huy động VND đang được các ngân hàng áp dụng với mức trần 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 1,0%/tháng thì gửi tiết kiệm không chỉ là nơi “tạm trú” đối với nhiều nhà đầu tư từ lâu nay, mà còn là kênh đầu tư hiện có lãi suất “thực dương”.

Mặt khác, Chính phủ cũng đã điều chỉnh mục tiêu tốc độ tăng tín dụng và tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm (12 -13%), thì lạm phát cả năm sẽ khoảng 18%. Điều đó có nghĩa, tốc độ tăng giá trong những tháng tới sẽ không còn cao như cuối năm trước. Bên cạnh đó, CPI tăng dưới 10% là mức đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 vừa được thông qua. Với tình hình giá cả như hiện nay và những dự báo cho thời gian tới, lãi suất huy động VND đang đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN