Quyết tâm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

Sáng 19/11, Hội nghị mô hình lần thứ 15 về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương (APG) đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực cùng hợp tác với nhiều sáng kiến đồng bộ nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đặc biệt là mô hình định kỳ hàng năm của APG đã tạo lập được một diễn đàn các thành viên trong nhóm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm một cách hiệu quả.

Việt Nam quyết tâm phòng chống rửa tiền. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Việt Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Trước khi gia nhập APG, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh chống rửa tiền.

Từ khi gia nhập APG (5/2007), Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua việc bổ sung tội danh này vào Luật Hình sự được thông qua năm 2009. Gần đây nhất, tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013; cơ bản hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống khủng bố và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2013...

Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm trong công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo các khuyến nghị và cam kết quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế và APG. Trong quá trình đánh giá, xếp hạng, Việt Nam mong muốn các tổ chức quốc tế quan tâm, lưu ý đến đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam để đánh giá, ghi nhận những kết quả và nỗ lực Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Tại hội nghị, ông David Shannon - cán bộ điều hành chính của APG cho biết: Với 41 thành viên, APG đang hỗ trợ các thành viên của mình “theo đuổi các khoản tiền” đằng sau các loại tội phạm khác nhau nhằm mục đích giảm mức độ ảnh hưởng của tội phạm cũng như khủng bố đến nền kinh tế và xã hội. Hội nghị mô hình APG và các hội thảo chuyên đề về nâng cao năng lực là một phần thiết yếu trong chương trình làm việc của APG lần này nhằm tập hợp các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại với nhau trong cuộc chiến chống tất cả các hình thức tội phạm và khủng bố.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam - chia sẻ: Rửa tiền và tài trợ khủng bố là vấn nạn làm cản trở và đe dọa sự minh bạch của hệ thống tài chính toàn cầu. Các thủ đoạn và phương thức rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp thông qua các kênh tài chính, ngân hàng, hoạt động thương mại... Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu phương thức rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoạch định chính sách tài chính để phòng chống hiệu quả các hành vi, hoạt động này.

Thông qua việc cùng nghiên cứu các phương thức, xu hướng của rửa tiền và tài trợ khủng bố, các thành viên APG sẽ được trang bị tốt hơn các công cụ mang tính thực tế trong cuộc chiến chống tội phạm. Đến nay, các mô hình này đã được chia sẻ với khu vực tư nhân cũng như phối hợp với cơ quan chức năng trong phòng chống những loại tội phạm này.

Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện khu vực tư nhân. Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện sự phối hợp thường xuyên, tập trung về các mô hình rửa tiền; trao đổi thông tin sâu hơn giữa cơ quan chính phủ và đại diện của các định chế tài chính. Cùng với việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các điều tra viên, công tố viên, cơ quan quản lý, đơn vị tình báo..., APG còn hướng tới việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách hiểu bản chất thực sự của những rủi ro mà quốc gia mình đang phải đối mặt.

Ông David Shannon đề nghị cơ quan thực thi pháp luật - tố tụng, cơ quan quản lý và các đơn vị tình báo tài chính phải mở các kênh trao đổi với quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ngày càng gia tăng của tội phạm xuyên quốc gia.

Hội nghị diễn ra trong 5 ngày với sự tham gia của Ban thư ký APG, các quốc gia thành viên, quan sát viên cùng nhiều tổ chức quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác toàn diện nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo chuẩn mực quốc tế, dựa trên tình hình thực tế của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 2012, hội nghị sẽ tập hợp nghiên cứu các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến các lĩnh vực và ngành nghề phi tài chính được chỉ định; rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ hệ thống chuyển tiền ngầm, rửa tài sản có được từ tham nhũng. Đồng thời, xem xét một số nội dung như: nhận dạng và điều tra về rửa tiền thông qua các hoạt động thương mại, rửa các khoản tiền thu được từ tội phạm về thuế; một số hình thức khác của rửa tiền, tài trợ khủng bố; khắc phục thiếu hụt về chính sách liên quan đến tài sản phạm tội và lần theo rửa tiền; xây dựng hợp tác chiến lược với khu vực tư nhân và giữa chính phủ với khu vực tư nhân trong việc phối hợp với các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố...


Thu Hằng



SCB nộp phạt 340 triệu USD vì rửa tiền cho Iran

Ngân hàng Standard Chartered (SCB) đã đồng ý nộp phạt 340 triệu USD cho cơ quan điều tiết ngân hàng hàng đầu ở New York (Mỹ) để dàn xếp vụ cáo buộc ngân hàng này đã "rửa" hàng trăm tỷ USD cho Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN