Quản lý thương mại điện tử - chưa theo kịp thực tế

Bắt đầu hình thành từ những năm 2000, hiện thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển hết sức rầm rộ cả về số lượng, nội dung thể hiện... và len lỏi vào cả những khu vực vùng xa, dân trí thấp. Trong khi các ngành chức năng vẫn đang thụ động loay hoay với những giải pháp quản lý thì nhiều sai phạm trong lĩnh vực TMĐT đã khiến nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề.

 

Bùng nổ TMĐT


Số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam chiếm 1/3 dân số và hơn 60% trong số đó lên mạng tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua. Chỉ tính giai đoạn từ năm 2000 - 2012, trung bình mỗi năm tốc độ phổ cập Internet ở Việt Nam tăng 20% và vào loại cao nhất trong khu vực châu Á. Theo kết quả khảo sát của các ngành chức năng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã qua thời kỳ bùng nổ website mà chuyển sang giai đoạn ứng dụng sâu rộng TMĐT vào hoạt động kinh doanh. Qua các công cụ của giao dịch TMĐT đã giúp doanh nghiệp tăng năng lực tiếp xúc khách hàng, quảng bá sản phẩm, giảm chi phí điều hành, tăng doanh thu cũng như đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội...


Sự cố giao dịch nhommua đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng, một lần nữa cho thấy công tác quản lý của ngành chức năng về TMĐT vẫn còn lắm gian nan.

 

“Có rất nhiều loại hình giao dịch TMĐT, riêng ở Việt Nam các doanh nghiệp thường sử dụng TMĐT để kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau hoặc giữa người bán và người mua đều là tổ chức kinh doanh hoặc giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, cho biết.


Kết quả khảo sát mới đây của ngành công thương cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp được hỏi đã áp dụng hình thức giao dịch bằng TMĐT, số còn lại đang xúc tiến triển khai. Nguồn thu từ TMĐT của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỷ USD/năm, tương đương 2,5% GDP và được dự báo lên con số 6 tỷ USD vào năm 2015. Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có hơn 97% doanh nghiệp trên địa bàn đã thành lập trang thông tin công ty, trong đó hầu hết hoạt động TMĐT tập trung ở giao thương, chào hàng qua các phương tiện như: email, website, mạng xã hội… Nhìn thấy tiềm năng thị trường trong nước, các “ông lớn” về TMĐT ở nước ngoài như: Google, Alibaba, eBay, Amazon… cũng đang xúc tiến việc kinh doanh Việt Nam.


“Với mục tiêu nhắm đến những công ty vừa và nhỏ, Google vừa trở thành thành viên của Hiệp hội TMĐT Việt Nam và hy vọng sẽ thu về 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Các nhà đầu tư khác như Alibaba và eBay cũng mới lựa chọn nhà đại diện chính thức tại Việt Nam bằng việc mua cổ phần hoặc chọn doanh nghiệp làm đại diện tiếp cận tìm kiếm cơ hội hợp tác”, ông Linh cho biết thêm.

 

Kẽ hở về quản lý


Tại diễn đàn "Thương mại điện tử Việt Nam năm 2012” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, hầu hết các đại biểu tham gia đều cho rằng, sự phát triển TMĐT của Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững, cũng như lòng tin của xã hội, trong đó phải kể đến môi trường kinh doanh kém tin cậy. Qua thời gian 2 - 3 năm bùng nổ ngắn ngủi, hiện đang có tình trạng khách hàng tỏ ra không mấy tin tưởng khi mua hàng trên mạng do quyền lợi của họ chưa được bảo vệ chính đáng. Mức độ tin tưởng và tỷ lệ mua sắm qua mạng của người tiêu dùng có xu hướng giảm hơn 16% so với năm 2011 và sự lo lắng trước những thông tin sai phạm của một số website kinh doanh trực tuyến ngày càng tăng.


“Riêng trong hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp TMĐT, đã xảy ra nhiều trường hợp lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Khác với trước đây chỉ là những lo ngại về pháp luật, hậu cần... hiện tại vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn đang được quan tâm”, ông Lê Minh Loan, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, nhận định.


Theo ông Loan, qua các vụ điều tra cho thấy, muốn có đủ điều kiện kinh doanh trực tuyến phải đăng ký tên miền, xin giấy phép trang thông tin của Bộ Thông tin - Truyền thông và có giấy phép hoạt động do Bộ Công Thương cấp, nhưng nhiều đơn vị mập mờ giữa hai loại giấy phép trên. Những hình thức quảng cáo, lôi kéo khách hàng của nhiều đơn vị kinh doanh trực tuyến theo thời gian ngày càng công phu, tinh tế với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tuyên truyền bằng hội thảo… “đánh” trực diện vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, dễ dàng của không ít người.


Nhiều năm tìm hiểu và tham gia kinh doanh trực tuyến, anh Lâm Hiền Phước - GĐ công ty TNHH TM dịch vụ và quảng cáo Phát Niên Giám, cho rằng hiện vẫn còn nhiều kẽ hở về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao dịch TMĐT và rất nhiều “con sâu” đang lợi dụng để trục lợi. Cụ thể, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép giao dịch, nhưng không ít đơn vị vẫn treo băng rôn, quảng cáo là sàn giao dịch thương mại điện tử mà không hề bị kiểm tra, xử lý. “Ngoài ra, trong Nghị định 57⁄CP về TMĐT cũng không có quy định về việc bán hàng đa cấp cũng như gói dịch vụ du lịch, hay gian hàng điện tử không được coi là sản phẩm nên không được ngành chức năng quản lý. Nhờ vậy, tận dụng vùng trắng này, những đối tượng như Muaban24 đã có cớ tìm cách lừa đảo tiền của người dân”, anh Phước nói thêm.

 

Phải bắt đầu từ gốc


Trong nỗ lực chấn chỉnh các biến tướng của TMĐT gây bất lợi cho xã hội, ngay từ cuối năm 2011, trong thời gian chờ đợi Nghị định mới về TMĐT thay thế Nghị định cũ đã lạc hậu so với thực tế, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin đã xúc tiến với những đơn vị liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý TMĐT. Tiếp theo đó, Cục đã bắt tay xây dựng dự thảo nghị định mới về quản lý lĩnh vực này và dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua từ quý I/2013. “Trong dự thảo, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất cấm mô hình kinh doanh đa cấp. Riêng đối với mô hình mua hàng theo nhóm, chúng tôi đang xem xét để đưa vào dự thảo những biện pháp yêu cầu các công ty nhóm mua phải có một khoản thế chấp hoặc mua bảo hiểm khi đăng ký mở mô hình này để khi có vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ có bảo hiểm để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.


Được xem như một hình thức kinh doanh mới với ưu điểm tiện dụng và nhanh chóng, TMĐT đã có tốc độ phát triển nhanh và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cũng vì phát triển quá nhanh, trong đó xuất hiện không ít những mô hình kinh doanh gây tác động xấu đến xã hội, đang “dồn” các nhà quản lý vào tình thế lúng túng khi chưa cập nhật, trang bị đầy đủ những công cụ pháp luật cần thiết. “Việc quản lý thị trường ảo trên mạng phải nói là rất khó khăn khi nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Chúng tôi đang mong với sự ra đời kịp thời của Nghị định mới sẽ góp phần giải quyết triệt để được tình hình lộn xộn trong giao dịch TMĐT thời gian qua. Ngoài “kim chỉ nam” là Nghị định mới trên, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để nắm bắt thông tin kịp thời có giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Hưng cho biết.

 

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nhờ ưu thế đơn giản, quy mô toàn cầu… mô hình kinh doanh bằng TMĐT hiện đang phát triển rất nhanh, gắn rất chặt với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo quy định của Bộ Công Thương, việc cấp đăng ký cho các sàn giao dịch online chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký. Tuy nhiên người tiêu dùng phải lưu ý, đây không phải là một sự bảo đảm về uy tín của đơn vị hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website.

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam: Kết quả điều tra sơ bộ tình hình ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp phục vụ chương trình Chỉ số thương mại điện tử 2012, cho thấy hoạt động kinh doanh trên các website liên tục tăng về chất lượng với 36% các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% doanh nghiệp cho biết tham gia các sàn TMĐT mang lại hiệu quả cao. Môi trường kinh doanh trực tuyến đang tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng mới có thể lớn mạnh rất nhanh và ngược lại, doanh nghiệp nào lỗi nhịp không chịu thay đổi có thể mất khách hàng trong một thời gian ngắn.

 

Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Theo tôi, quy định của pháp luật về TMĐT vẫn còn nhiều khoảng trống khi quy định trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hóa… nhưng khi xảy ra tranh chấp, lại thiếu chế tài mạnh mẽ bắt buộc chủ website phải có trách nhiệm liên đới. Để góp phần hạn chế những tranh chấp, bất ổn… trong thời gian qua, theo tôi giải pháp có thể áp dụng hiện nay là cần xác định, công bố những đơn vị đủ điều kiện hoạt động và thông tin rộng rãi trong xã hội. Mặt khác, người dân khi tham gia vào các dịch vụ này cần tìm hiểu kỹ thông tin và chọn lựa những địa chỉ uy tín cũng như hạn chế các giao dịch chỉ chủ yếu được thực hiện bằng hình thức trao tay, truyền miệng hoặc công cụ giao dịch bằng tiền mặt, không có hợp đồng, không có hóa đơn…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN