Quan điểm mới trong điều hành lãi suất

Để giữ chân khách hàng, một số ngân hàng tung ra các chương trình huy động siêu ngắn với lãi suất cao. Tuy nhiên, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ngăn chặn cuộc đua tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Cương quyết không để chạy đua lãi suất

Thông thường, lãi suất không kỳ hạn và lãi suất ngắn thường rất thấp, nhưng ở Việt Nam, trong thời gian qua, lãi suất ngắn hạn và không kỳ hạn của một số ngân hàng được nâng lên mức trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định là 14%/năm.

Đơn cử, Ngân hàng An Bình cho phép gửi tiền kỳ hạn 1 ngày với lãi suất cao, cụ thể từ 50 - dưới 500 triệu đồng là 8%/năm, từ 500 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng là 9%/năm, từ 1 tỷ đồng - dưới 5 tỷ đồng là 10%/năm và từ 5 tỷ đồng trở lên tới 12%/năm. Trước đó, Ngân hàng Phương Tây đã thực hiện chương trình gửi tiết kiệm "Tiền gửi linh hoạt ngày". Kỳ hạn đối với loại hình tiết kiệm này là 1-6 ngày, lãi suất áp dụng là 14%/năm.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho biết: “Một số ngân hàng không cạnh tranh được trong việc huy động vốn ở các kỳ hạn dài. Do vậy, buộc họ phải nâng lãi suất ngắn hạn và không kỳ hạn lên mức cao, tạo ra cuộc đua lãi suất ngắn hạn”.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Phát triển Nhà ở (Habubank).  Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Để tránh xảy ra cuộc đua “ngầm” huy động siêu ngắn giữa các ngân hàng. NHNN vừa ban hành Thông tư số 30/2011/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng là 6%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ một tháng trở lên là 14,5%/năm. Thông tư này được áp dụng kể từ ngày mai, 1/10.

Theo ông Toại, chính sách này của NHNN được ban hành đúng thời điểm, để tránh cho các ngân hàng một cuộc đua lãi suất không đáng có. Hơn nữa còn hạn chế rủi ro, vì lãi suất ngắn hạn có thể rút ra bất kỳ lúc nào. Về tình hình huy động của các ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết: “Trong thời gian qua, chưa thấy có dấu hiệu dòng vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nhưng việc huy động vốn của các ngân hàng có sụt giảm”.

Giải thích tình trạng này, ông Toại cho biết: “Các ngân hàng khó huy động vốn do người dân rút tiền ra để mua vàng. Vì vậy, buộc một số ngân hàng phải tăng lãi suất ngắn hạn để lôi kéo khách hàng”.

Trên thực tế, lãi suất huy động giảm khiến một bộ phận dân cư chuyển tiền qua kênh đầu tư khác. Dễ nhận thấy nhất là khi giá vàng xuống, các tiệm vàng lúc nào cũng trong tình trạng “chật như nêm”.

“Tôi có hơn một trăm triệu đem gửi ngân hàng, với lãi suất 14% năm. Nhưng gần đây giá vàng có dấu hiệu giảm mạnh nên rút tiết kiệm để mua vàng”- chị Đỗ Hải, một người mua vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết.

Theo chị Hải, số tiền này không đủ để đầu tư bất động sản. Do vậy mua vàng là hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay. Ngoài vàng, còn kênh đầu tư khác là ngoại tệ, nhưng giá ngoại tệ không thay đổi nhiều từ đầu năm tới nay nên người dân không mấy mặn mà.

Lãi suất “rẻ” không dành cho tất cả

Về lãi suất cho vay, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình: “Mặt bằng lãi suất cho vay đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Cung- cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao, ngân hàng thương mại cũng không cho vay được”.

Nhưng lãi suất sẽ không hạ cho tất cả các đối tượng. Theo các chuyên gia ngân hàng, không thể giảm ngay lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp bởi việc hạ lãi suất huy động về 14%/năm mới thực hiện gần nửa tháng, trong khi lãi suất huy động ở mức 18 - 19% đã kéo dài hơn 8 tháng.

Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Lãi suất rẻ không dành cho tất cả, đó là quan điểm mới của hệ thống ngân hàng. Đã qua thời “toàn quân, toàn dân” vay được vốn rẻ”.

Theo ông Vinh, nguồn vốn ưu đãi được các ngân hàng đưa ra theo các gói, các chương trình tập trung cho các lĩnh vực có định hướng của NHNN. Hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ có tính chọn lọc cao hơn, tập trung cho các nhóm đối tượng, các lĩnh vực có sức hấp thụ tốt, thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế để phát huy hiệu quả và giá trị của đồng vốn.

Do vậy, “Với tín dụng phi sản xuất, như với bất động sản có độ rủi ro cao hơn thì ngân hàng thận trọng hơn và lãi suất cho vay sẽ cao hơn”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho biết quan điểm mới của NHNN trong việc điều hành lãi suất cho vay. “Định hướng lâu dài là các ngân hàng tập trung hỗ trợ vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp, cho các hoạt động sản xuất thương mại thay vì cho vay dài hạn với các nhu cầu đầu tư. Đây là bước thay đổi quan trọng trong việc sử dụng vốn”, ông Vinh cho biết.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN