Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngành tài chính cố gắng vượt thu 5-8%

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính– ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Bộ Tài chính cần cố gắng hoàn thành và vượt mức thu ngân sách năm 2017, cố gắng vượt thu 5 - 8% và tiếp tục quản lý chặt chẽ thu NSNN, trong đó chú trọng nguồn thu nội địa.

Tổng thu ngân sách tăng nhưng tiến độ thu còn chậm

Báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 5/7 về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho hay: Trong 6 tháng đầu năm, ngành tài chính đã chủ động đề xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính- NSNN; điều hành quyết liệt thu, chi, đảm bảo giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

“Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm ngoái; tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm ngoái. Chi NSNN được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện”, Thứ trưởng Hải nói.

Đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát được tăng cường, giữ vững. Tình hình giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng đột biến về giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,15% so cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra những khó khăn tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2017, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế đạt thấp; tiến độ thu NSNN, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương đạt thấp; công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước những thách thức trong những tháng còn lại của năm nay, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; điều hành chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; siết chặt kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Bên cạnh những yếu tố thuận lợi còn phát sinh nhiều khó khăn tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà năm 2017. Đó là: tăng trưởng kinh tế đạt thấp, tiến độ thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu ngân sách trung ương không đạt kế hoạch; quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn”, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nói.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và tái cơ cấu DNNN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN của Bộ Tài chính trong bối nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh đó, công tác điều hành kiểm soát giá cả được chỉ đạo điều hành bám sát, nhịp nhàng, kiểm soát lạm phát tốt. Bộ Tài chính cũng rất chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai Nghị quyết 19 và là một trong những Bộ hoàn thành sớm các Đề án về tái cơ cấu, nhất là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tái cơ cấu ngân hàng chính sách, ngân hàng đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm cần phải khắc phục và thực hiện tốt hơn nữa trong những tháng cuối năm như: Tốc độ tăng trưởng chưa đạt được kỳ vọng; hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, cải cách DNNN còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra; những vấn đề căn cơ của nền kinh tế cũng đã định hướng giải quyết tích cực nhưng chưa có nhiều chuyển biến, nhất là tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu, nợ công, các dự án thua lỗ.

“Bộ Tài chính cần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được duyệt, tập trung xử lý các dự án thua lỗ yếu kém, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động; hoàn thiện pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, tránh tình trạng thất thoát, lợi ích nhóm trong định giá”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải sớm giảm phí BOT tại 44 trạm nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tránh để việc giải ngân chậm tác động tiêu cực đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, tác động đến hiệu quả sử dụng vốn, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Đây là điểm yếu là then chốt mà trách nhiệm chính là Bộ KH-ĐT nhưng Bộ Tài chính cũng phải chia sẻ trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện.


Minh Phương/Báo Tin Tức
Chỉ tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết
Chỉ tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, từ nay tới cuối năm việc điều hành chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cần phải chặt chẽ, chỉ đề xuất tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN