Ninh Bình làm tốt tín dụng cho sinh viên

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 157, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện cho 85.481 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề vay vốn với số tiền gần 1.051 tỷ đồng, không để xảy ra tình trạng học sinh, sinh viên buộc phải bỏ học vì không có tiền chi trả học tập.

Thực hiện công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, các hộ gia đình vay vốn đã có ý thức, trách nhiệm trong việc trả nợ ngân hàng kể từ khi Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển phương thức từ cho vay trực tiếp học sinh sinh viên sang cho vay thông qua hộ gia đình; tổ chức các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn để cho vay, thu nợ, lãi cùng với chính sách hộ vay trả nợ trước hạn được giảm lãi. Do đó công tác thu hồi nợ kịp thời, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng đạt kết quả tốt.

Các hộ gia đình làm thủ tục vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên tại điểm giao dịch xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN



Bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết, nợ quá hạn của chi nhánh hiện ở mức 1 tỷ 124 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,2% số vốn vay. Nguyên nhân nợ quá hạn là do hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo thu nhập thấp, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm; hộ gia đình khó khăn đột xuất; hộ gia đình bỏ đi khỏi địa phương, làm ăn xa; học sinh sinh viên tử vong trong quá trình theo học, gia đình khó khăn không trả được nợ.

Làm thủ tục vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên tại trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN


Để công tác cho vay có hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình tăng cường thực hiện việc phân tích đánh giá chất lượng tín dụng đối với các hội, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%, đồng thời chỉ đạo các phòng giao dịch thông báo nợ đến hạn trước 3 tháng, phối hợp với tổ chức Hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của hộ vay để chủ động trong việc thu hồi nợ, xử lý nợ đến hạn kịp thời không để nợ quá hạn phát sinh. Cùng với đó, ngân hàng chú trọng công tác thu hồi nợ phân kỳ, tăng cường công tác tuyên truyền mục đích ý nghĩa việc tham gia gửi tiền tiết kiệm định kỳ hàng tháng của tổ viên để trả dần, giúp hộ vay thuận lợi trả nợ khi đến hạn.

Đối với một số hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có nguồn thu nhập ổn định để trả nợ, trong khi đó sinh viên ra trường sau một năm vẫn chưa có việc làm, nhiều trường hợp thời gian tìm việc kéo dài, không có thu nhập nên việc thu hồi nợ gặp khó khăn, bà Lã Thị Hồng Yến đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội nhanh chóng có cơ chế xử lý rủi ro đối với những trường hợp gia đình gặp khó khăn không có khả năng trả nợ, học sinh, sinh viên tử vong khi đang theo học; đề nghị Chính phủ cho mở rộng các đối tượng vay vốn chương trình học sinh, sinh viên đối với hộ gia đình có từ 2 con đi học đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề và hộ gia đình ở vùng khó khăn theo Quyết định số 1049, ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường trong từng thời kỳ cụ thể.

Vũ Anh Minh
Tín dụng ưu đãi đến với nông dân nghèo
Tín dụng ưu đãi đến với nông dân nghèo

Nhờ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các hộ nghèo tại tỉnh Hà Nam đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN