Ngân hàng thừa vốn vẫn tăng huy động

Hơn tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút vốn vào với khối lượng đạt 4.590 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng cũng có dấu hiệu giảm, cho thấy các ngân hàng đang thừa vốn. Tuy nhiên, thay vì đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng vẫn tăng huy động.

 

Phát quà, tư vấn đến tận nhà


Với chương trình “Tiết kiệm cho tương lai”, Ngân hàng Đông Á cử nhân viên đến từng nhà tặng quà, phát tờ rơi, tư vấn người dân gửi tiết kiệm. Còn tại Vietinbank, nhân dịp Noel, ngân hàng đã triển khai chương trình khuyến mại dự thưởng “Vui Giáng sinh - Rinh quà tặng” cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm/mua chứng chỉ tiền gửi với tổng số hơn 200.000 giải thưởng trị giá trên 6,5 tỷ đồng.


 

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bên cạnh việc đẩy mạnh huy động tiền đồng, các ngân hàng còn đẩy mạnh huy động ngoại tệ nhằm tranh thủ kiều hối từ nước ngoài gửi về dịp cuối năm. Vì thế, nhân chương trình “Vui Giáng sinh - Rinh quà tặng”, khách hàng Vietinbank gửi tiết kiệm ngoại tệ sẽ được nhân đôi số dự thưởng, gia tăng cơ hội trúng giải trong chương trình. Tương tự, từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/02/2013, Vietcombank cũng triển khai chương trình khuyến mãi “Nhận kiều hối - Đón niềm vui” dành cho các khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển tiền kiều hối TNMonex - Vietcombank.


Còn với chương trình “May mắn ngập tràn, muôn vàn hạnh phúc”, từ ngày 12/11 - 9/1/2013 khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng BIDV sẽ có cơ hội trúng 619.999 giải thưởng trị giá trên 32 tỷ đồng.


Có thể thấy, mặc dù thừa vốn, nhưng hầu như các ngân hàng lớn nhỏ đều tăng huy động với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điều đáng nói, không cần tăng lãi suất, nhưng các chương trình khuyến mãi đã hấp dẫn nhiều khách hàng tham gia. Điều này đã giúp tăng trưởng huy động của các tổ chức tín dụng tăng mạnh, tính đến 19/10 đã tăng lên 14,02%. Đặc biệt, huy động VND tăng 17,52%.

 

Hút vốn để đảm bảo thanh khoản


Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết sở dĩ ngân hàng hút vốn là do lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng 28,5% lợi nhuận của năm 2011. Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của ngành ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh đạt mức thấp so với năm 2011 là do lỗ từ vàng, tín dụng tăng trưởng thấp và phải tăng trích lập dự phòng. Theo đó, từ tháng 10 trở lại đây huy động tiền gửi đã tăng trở lại.


Đáng chú ý, do NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ nên từ đầu năm đến nay đã có một lượng tiền VND lớn được đưa ra thị trường, đến nay khoảng 210.000 tỉ đồng. Trước tình hình trên, mới đây NHNN đã phát hành tín phiếu trở lại để hút vốn. Tính từ 10/10 - 7/11, NHNN đã phát hành tổng cộng 18.762 tỉ đồng để hút tiền về. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC, lý do khiến NHNN thực hiện hút ròng trở lại là do thị trường tiền tệ đã ổn định, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp, thanh khoản của đa số các ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào do nhu cầu vay vốn ở thời điểm hiện tại vẫn rất thấp. Mặt khác, nhu cầu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đã giảm sút sau khi NHNN yêu cầu phải trích lập dự phòng cho các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng. Song song đó, tăng trưởng tín dụng thấp xuất phát từ nguyên nhân khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc giải ngân do e ngại nợ xấu. Vì thế, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm giải quyết bài toán thanh khoản, một vấn đề mang tính cố hữu của hệ thống.


Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng nợ xấu tăng cao đe dọa thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khi một lượng tiền lớn cho vay ra không quay về, NHTM lại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thậm chí, vốn điều lệ hiện nay của nhiều NHTM không đủ để xử lý nợ xấu. Vì thế, ngân hàng buộc phải tăng huy động để đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng.


Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn so với quý II. Đáng chú ý, không chỉ ngân hàng nhỏ mà cả ngân hàng lớn, trong đó VCB có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, tiếp đến là TCB và BIDV. Ngoài ra, công bố của NHNN cũng cho thấy, tổng tài sản của toàn hệ thống trong quý III đã giảm 1,89% so với đầu năm. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS, để đảm bảo một phần lợi nhuận và cân bằng chi phí vốn, có thể các ngân hàng này sẽ tăng cường mua trái phiếu Chính phủ trong những tháng cuối năm.

 

“Điều này trái ngược với xu hướng của những năm trước, nhưng có thể là một giải pháp an toàn để các ngân hàng cải thiện thu nhập lãi. Dù vậy, lợi nhuận của đại bộ phận các ngân hàng trong quý IV sẽ không cải thiện so với quý III. Hầu hết, các ngân hàng sẽ khó có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2012 và chừng nào vấn đề nợ xấu chưa giải quyết được và các ngân hàng yếu kém chưa được tái cơ cấu triệt để thì triển vọng ngành ngân hàng năm 2013 vẫn chưa có gì sáng sủa”, VCBS nhận định.

 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN