Mặt bằng lãi suất ngân hàng: Chưa thể giảm nhanh

Theo các doanh nghiệp, lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn đang đứng ở mức 20 – 22%/năm. Mức lãi suất này khiến phần lớn doanh nghiệp chưa dám “gõ cửa” ngân hàng. Doanh nghiệp đang mong lãi suất giảm như “nắng hạn mong mưa”, nhưng theo các ngân hàng và các chuyên gia kinh tế thì mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm trong “một sớm, một chiều”.

Hai yếu tố giữ lãi suất cao

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Lê Trí Hiếu, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình, mặc dù chỉ số lạm phát (CPI) đã phát tín hiệu hạ nhiệt vào tháng 1/2012 (CPI tăng 1% so với cùng kỳ tăng 1,74%), nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa thể điều chỉnh giảm lãi suất vì 2 yếu tố:

Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Thứ nhất, nếu NHNN giảm lãi suất ở thời điểm này, người dân, doanh nghiệp sẽ vay nhiều và khi tiền lưu thông nhiều sẽ đẩy CPI tăng.

Thứ hai, tình trạng một số ngân hàng khó khăn trong thanh khoản vẫn chưa được giải quyết, các ngân hàng này vẫn đang duy trì lãi suất huy động ở mức cao (18- 19%/năm) khiến đầu ra (lãi suất cho vay) vẫn đứng ở mức 20 – 22%/năm.

Theo các chuyên gia ngân hàng, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, nếu không giải quyết được thì không thể hạ lãi suất được. “Giảm lãi suất trong thời điểm này không dễ. Bởi nếu in tiền ra để giải quyết nhanh chóng vấn đề thanh khoản thì nguy cơ là lạm phát bùng phát trở lại. Còn nếu xác định rằng, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng phải giải quyết vì còn liên quan đến nợ xấu, thì việc điều chỉnh lãi suất sẽ phải cân nhắc thận trọng”, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) phân tích.

Còn các ngân hàng thì cho biết, họ đang xem xét tới việc giảm lãi suất. Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, Vietinbank đã có kế hoạch giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Lãi suất cho vay sẽ được giảm thêm 0,5% so với mức sàn hiện nay. Cụ thể, lãi suất cho vay thấp nhất của Vietinbank còn 15,5%. Lãi suất cho vay nông nghiệp là 16,3%, cho vay sản xuất kinh doanh là 17%. Nếu khách hàng kinh doanh hiệu quả, uy tín thì mức lãi suất sẽ thấp hơn.

Trước đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định, Vietcombank có chủ trương hạ lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay VND với đối tượng khách hàng doanh nghiệp từ 19%/năm giảm xuống còn 17%/năm, một số lĩnh vực, lãi suất sẽ hạ xuống 16,5% hoặc 16%/năm.

“Vietcombank sẽ lựa chọn khoản vay để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực và những doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, Vietcombank sẽ cho vay với mức lãi suất 15 - 15,5%/năm”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB): “Mặc dù có một số ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất, nhưng trên thực tế chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được mức lãi suất giảm này”.

Theo ông Toại, chừng nào NHNN chưa bơm vốn ra với lãi suất thấp thì mặt bằng lãi suất chưa thể hạ sớm được. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chưa thể bơm vốn ra được. Do vậy, mặt bằng lãi suất sẽ không thể hạ nhanh trong “một sớm, một chiều”.

Chiều 14/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo về việc thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Cụ thể, các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá linh hoạt phù hợp với các diễn biến thị trường, đồng thời, đảm bảo khả năng thanh khoản của các TCTD; kiểm soát tổng phương tiện thanh toán khoảng 14 - 16% và tín dụng khoảng 15 -17%.

Cơ cấu lại để giảm lãi suất

Theo các chuyên gia ngân hàng, muốn giảm lãi suất, việc đầu tiên là phải giải quyết được hiện tượng một số ngân hàng yếu thanh khoản thường “phá rào” huy động lãi suất vượt trần.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước đây, NHNN cũng đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống mất 4 năm. Khi đó, NHNN phải xử lý khoản nợ xấu là 23.000 tỉ đồng. Trong đó, 16.000 tỉ đồng nợ xấu là do khách quan (do các ngân hàng cho vay theo chỉ định của Chính phủ với các chương trình giải quyết lũ lụt, tài trợ giải quyết hậu quả bão số 3 và số 5, tài trợ các chương trình nhà vượt lũ, chương trình đánh bắt xa bờ, chương trình trồng cà phê, dâu tằm tơ…

“Nay, theo UBGSTCQG thì số nợ xấu là cao hơn. Trong khoản nợ xấu này thì tới 90% nguyên nhân là sự chủ quan, tức là do chính các ngân hàng gây ra. Đó là việc họ tập trung phần lớn tín dụng vào thị trường bất động sản”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Vì thị trường bất động sản không dễ dàng phục hồi nhanh chóng như các thị trường khác nên TS Nghĩa cho rằng, việc giải quyết thanh khoản và nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào thời điểm này rất là khó. Trong khi vấn đề nợ xấu có tác động trực tiếp đến việc điều hành lãi suất hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, NHNN đã chia các tổ chức tín dụng ra thành 4 nhóm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết. Trong đó, nhóm 1 có tỷ lệ tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng.

“Mục đích chính của việc này vẫn là kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát tín dụng, từ đó giảm dần mặt bằng lãi suất”, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo NHNN giải quyết vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong quý I/2012. Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi chặt chẽ thị trường để giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hợp lý.

Xuân Hương – Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN