Lãi suất huy động ngắn hạn giảm, dài hạn tăng

Sau hơn một tuần Thông tư số 19/2012/TT-NHNN có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã điều chỉnh mức lãi suất huy động. Phần lớn các TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng.

 

Khách hàng giao dịch tại VPBank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Hiện lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 1,5-2%/năm; lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng phổ biến 2%/năm; lãi suất tiền gửi trên 1 tháng đến 12 tháng ở mức 8,8-9%/năm, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng ở mức 8-11%/năm. Tuy nhiên, một số ít các TCTD ấn định lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở mức 11,5-14%/năm và kỳ hạn trên 13 tháng ở mức thấp hơn. Như vậy, trên thị trường hiện lãi suất huy động kỳ ngắn hạn giảm, chỉ tăng từ kỳ 13 tháng trở lên.

 

Cùng đó, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Điển hình như: Ngân hàng Tiên Phong triển khai gói tín dụng quy mô 3.000 tỷ đồng với lãi suất 12,5% - 14% đối với các khoản vay đầu tư sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng triển khai gói tín dụng 1.900 tỷ đồng với lãi suất 12% trong 3 tháng đầu tiên đối với các khoản vay mua nhà, ô tô. Hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12%-13%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác 14%-17,5%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất 16,5%-20%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5,5%-7,5%/năm đối với ngắn hạn và 7,5%-9%/năm đối với trung và dài hạn.

 

Các ngân hàng nhóm sản xuất kinh doanh thông thường vay vốn theo mức lãi suất phổ biến từ 14% -17,5%, thấp nhất là 12% - 13% cho ngắn hạn, dao động từ 16% – 18,5% cho trung và dài hạn. Nhóm nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu hưởng lãi suất 12% – 13% ở chu kỳ ngắn hạn; 15,5% – 18% cho chu kỳ trung và dài hạn.

 

Theo báo cáo của các TCTD, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 117.688 tỷ đồng, bình quân khoảng 23.538 tỷ đồng/ngày; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 58.323 tỷ đồng, bình quân khoảng 11.665 tỷ đồng/ngày. Trong tuần qua, các giao dịch liên ngân hàng tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn như qua đêm và 1 tuần. Doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng VND đạt khoảng 87.013 tỷ đồng, tương đương 74% trong tổng doanh số giao dịch bằng VND; doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng USD quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 44.958 tỷ đồng, tương đương 77% tổng doanh số giao dịch bằng USD.

 

Lãi suất giao dịch bình quân kỳ này có xu hướng tăng đối với các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng, lãi suất giao dịch bình quân tăng mạnh với các mức tăng từ 3,01% (kỳ hạn 1 tuần) đến 3,62% (kỳ hạn 2 tuần). Các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất bình quân giảm nhẹ.

 

Trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống cũng tiếp tục đạt mức dương trong cả tuần. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn biến ổn định và có xu hướng giảm so với tuần trước. Hiện tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.930/ 20.990 đồng/USD.

 

Thu Hằng

Dỡ trần lãi suất huy động, lãi suất vay vẫn khó giảm
Dỡ trần lãi suất huy động, lãi suất vay vẫn khó giảm

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức không áp trần lãi suất huy động 12 tháng trở lên kể từ ngày 11/6, ngay lập tức một số ngân hàng trước đó đã hạ lãi suất xuống 9%/năm nay lại điều chỉnh lãi suất tăng lên 11 - 13%, thậm chí có ngân hàng tăng lên 14%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN