Lãi suất huy động 'giảm nhiệt' sau 'trấn an' của Ngân hàng Nhà nước

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, chỉ sau một thời gian ngắn tăng nhẹ lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) như: MaritimeBank, DongABank, VietBank, VIB… mới đây đã giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1- 0,3%/năm.

Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông tin thị trường không có áp lực tăng lãi suất.

Phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay: Xét chung cả hệ thống ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động hiện không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu năm 2017. Kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động dao động khoảng 4,3- 5,5%/năm; từ 6- 12 tháng là 5,3% - 7%/năm; 12 tháng trở lên khoảng 6,5% - 8%/năm.

Lãi suất huy động vừa được một số ngân hàng điều chỉnh giảm. Ảnh minh họa (Trần Việt/TTXVN)

Lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định với mức từ 6 - 7%/năm đối với kỳ ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên. Theo VCBS, mặc dù trong tuần trước có dấu hiệu tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng nhưng NHNN vẫn còn nhiều dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đại diện NHNN cho biết: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện vẫn trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Theo NHNN, trong lúc lãi suất huy động VND của một số NHTMCP tăng, thì thị trường lại xuất hiện không ít NHTMCP điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%/năm.

“Việc các NHTMCP điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số NHTMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung - cầu thị trường”, nội dung thông báo NHNN nêu rõ.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng: Nếu như nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình có lẽ chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay dài hạn, họ sẽ ngừng tăng lãi suất.

Để cơ quan điều hành có thể giữ ổn định mặt bằng lãi suất, hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao là cố gắng giảm lãi suất cho vay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: NHNN cần một số biện pháp để ổn định lãi suất, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Một là đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu. Hai là cần tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá nóng. Ba là theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài (Mỹ, Trung Quốc) để có ứng phó kịp thời và bốn là không chủ quan với lạm phát.

Còn ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích Khách hàng cá nhân Công ty SSI cho rằng: Lãi suất và lạm phát lúc này không quá lo ngại. Đến thời điểm hiện tại, giá dầu chưa tăng mà giảm. Giá lương thực thực phẩm cũng giảm, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI.

"Tôi cho rằng năm 2017, NHNN cần có các giải pháp căn cơ hơn nữa giúp cán cân thanh toán tổng thể dương để tạo nền tẳng tăng trưởng mạnh trong các năm sau", đại diện CTCK SSI nhận định.

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. "Cá nhân tôi có niềm tin rằng lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau, vì nếu nó tăng sẽ gây nên rất nhiều hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế và Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra.", ông Độ nêu quan điểm.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Thiệt hại ‘kép’ từ cuộc đua ‘siêu’ lãi suất
Thiệt hại ‘kép’ từ cuộc đua ‘siêu’ lãi suất

Liên tục trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Trong đó, một số ngân hàng tăng lãi suất theo hình thức chứng chỉ tiền gửi gần 9%/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua “siêu” lãi suất theo hình thức chứng chỉ tiền gửi đang có dấu hiệu lách luật, mặt khác cuộc đua này đang gây áp lực lên lãi suất vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN