Không có chuyện Việt Nam phải vay vốn IMF để giải quyết nợ xấu

Trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 7/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã khẳng định điều này.

 

Trong một vài ngày qua, trên một số trang mạng và báo điện tử xuất hiện thông tin về việc Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải quyết nợ xấu. Đề nghị ông cho biết tính xác thực của thông tin này?


Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Trước hết, NHNN khẳng định không có việc Việt Nam vay hay có ý định vay vốn của IMF để xử lý nợ xấu. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn duy trì quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với IMF thông qua các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách và chưa từng thảo luận với IMF liên quan đến việc tiếp cận nguồn tín dụng của IMF.


Xin ông cho biết hiện nay Việt Nam có nhu cầu cần phải vay vốn của IMF hay không?


Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Trong hai ngày 6-7/9/2012, ông Alfred Schipke - Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV Điều lệ Quỹ của IMF phụ trách Việt Nam đã đến Việt Nam để chào xã giao và giới thiệu trên cương vị mới. Ông Alfred đã trả lời phỏng vấn của một số cơ quan truyền thông về tình hình kinh tế Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách.


Nhìn chung, IMF đã đưa ra những đánh giá tích cực về tình hình kinh tế hiện tại, đánh giá cao thành tựu chính sách của Chính phủ trong một năm qua, đặc biệt là hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. IMF khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng thông qua các chương trình đối thoại chính sách định kỳ và các hỗ trợ kỹ thuật của IMF, ví dụ thông qua Chương trình Đánh giá Ổn định Khu vực Tài chính (FSAP).


NHNN khẳng định thông tin “Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ IMF để giải quyết nợ xấu” là hoàn toàn không chính xác vì mấy lý do.
Thứ nhất, mục đích cho vay của IMF là cấp tín dụng cho các nước có khó khăn tạm thời đối với cán cân thanh toán, tức là khi một nước không có đủ nguồn tài trợ cho thanh toán quốc tế và duy trì đủ dự trữ ngoại hối cho tương lai.


Thứ hai, theo đánh giá của Chính phủ và IMF, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay đã có nhiều chuyển biến rất tích cực theo hướng ổn định, đặc biệt là cán cân thương mại, vãng lai và cán cân tổng thể đạt mức thặng dư cao, dự trữ quốc tế tăng mạnh, lòng tin của thị trường và công chúng được củng cố mạnh mẽ.


Thứ ba, trên thực tế, từ trước tới nay, IMF và Chính phủ Việt Nam chưa từng bàn tới, hoặc có ý định thảo luận về kế hoạch IMF cấp tín dụng cho Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và xuất phát từ những nội dung nêu trên, NHNN khẳng định không có lý do gì Việt Nam cần phải tiếp cận tín dụng của IMF.



Theo Chinhphu.vn

Giảm lãi suất để góp phần hạn chế nợ xấu gia tăng

Nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa lên mức báo động và việc xử lý vấn đề này đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Một trong những giải pháp mà NHNN đưa ra là các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất tiền vay

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN