HSBC công bố chỉ số phát triển

Theo cuộc khảo sát mới nhất của HSBC, các thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh hơn trong quý IV năm 2010 nhưng lạm phát vẫn sẽ là mối lo lớn trong năm 2011

Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi của HSBC (HSBC Emerging Market Index -HSBC EMI) tăng lên mức 55,7 trong quý IV năm 2010 nhờ hoạt động sản xuất tăng trưởng tốt.·


Tỉ lệ tăng trưởng đạt cao nhất ở Đông Âu, Ấn Độ và Trung Quốc;· Chi phí đầu vào sản xuất tăng lên đỉnh cao nhất trong vòng hai năm rưỡi trong bối cảnh nút thắt về chuỗi cung ứng;· Cả sản lượng và đơn hàng mới tại các thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh hơn đáng kể trong quý IV· Các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng cao hơn nhưng vẫn còn ít hơn so với đỉnh của quý I.



Kết quả cuộc khảo sát mới nhất về chỉ số phát triển kinh tế HSBC tại các thị trường mới nổi HSBC EMI cho thấy các thị trường này tăng trưởng nhanh trong quý cuối cùng của năm 2010, hồi phục trở lại sau đợt tăng trưởng tương đối chậm chạp trong quý III và tô đậm hơn khoảng cách tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi so với các quốc gia phát triển.


Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng của năm 2011 chính là chi phí đầu vào sản xuất tăng tới mức cao nhất tính từ quý II năm 2008, cho thấy áp lực ngày càng tăng nhanh của lạm phát đối với các thị trường mới nổi kể từ khi áp lực này được nêu ra lần đầu trong báo cáo HSBC EMI vào quý I năm 2010.



Lạm phát tăng cao phản ánh giá hàng hóa tăng, hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ và việc nắm giữ ít hàng tại kho của các nhà cung cấp trên thị trường dẫn tới tình trạng giao hàng chậm trễ và gia tăng chi phí.


Chỉ số EMI tăng lên 55,7 từ 54,2 của quý III năm 2010, mức thấp nhất trong năm quý gần đây, và cao hơn mức trung bình năm quý là 54,7. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn chậm hơn so với tỉ lệ ghi nhận được trong quý IV năm 2009 và nửa đầu năm 2010.


Tỉ lệ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi bước đầu cho thấy sự tăng trưởng trở lại của các hoạt động sản xuất vì khối dịch vụ vẫn phát triển ổn định trong quý cuối cùng của năm. Tỉ lệ tăng trưởng của cả hai khối này hầu như ngang bằng nhau.


Stephan King, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Kinh tế của HSBC cho biết: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại các thị trường mới nổi sau đợt tăng trưởng chậm chạp trong quý III phản ánh sự hồi phục của xu hướng phát triển lâu dài.


Động lực chủ yếu của tăng trưởng là sự phục hồi của các hoạt động sản xuất.


Khi các thị trường mới nổi tăng cường hoạt động giao thương với nhau, chúng ta có thể hi vọng đạt được đỉnh cao mới trong thời kỳ vàng phát triển kinh tế, một phiên bản của các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh trong một thời gian dài, giống như giai đoạn phát triển kinh tế trong những năm 50 và 60 của các nền kinh tế phát triển, khi mà các rào cản về thuế quan bị dỡ bỏ khiến cho thương mại quốc tế thăng hoa.


Nếu các nền kinh tế mới nổi có thể tiến tới xóa bỏ những rào cản về thuế quan hiện có, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến sự bùng nổ thương mại trên thế giới trên quy mô thực sự đáng kể.”


“Điều đáng quan tâm là vấn đề lạm phát. Chưa bao giờ, kể từ khi lương thực và năng lượng trở nên khan hiếm trong những tháng đầu năm 2008, mà yếu tố chi phí và giá cả trong EMI chạm tới ngưỡng đáng lo ngại như bây giờ.


Liệu các nhà lập pháp tại các thị trường mới nổi có thể kìm hãm được con sư tử lạm phát hay không sẽ là một trong những vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư trong năm 2011. Hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều không mặn mà với việc tăng lãi suất và giảm giá đồng tiền, mọi sự tập trung chú ý sẽ chuyển hướng tới các biện pháp “thắt chặt về số lượng” như gần đây Hồng Kông và Trung Quốc đã làm để hạn chế tăng trưởng tín dụng.”


Sản lượng tăng tại các thị trường Đông Âu, với Cộng hòa Séc, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đều ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng cao trong quý IV năm 2010. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ có mức tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ so với ba quý trước đó. Trái lại, tại Đài Loan hoạt động sản xuất chỉ tăng trưởng chút ít trong khi tại Hàn Quốc không ghi nhận tăng trưởng ở lĩnh vực này.


Tăng trưởng hoạt động sản xuất tại các thị trường mới nổi cũng phù hợp với việc gia tăng các đơn hàng xuất khẩu. Trong bốn thị trường mới nổi lớn nhất, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng cao nhất về các đơn hàng xuất khẩu mới. Tăng trưởng tại Trung Quốc đạt mức thấp (mặc dù cao nhất trong ba quý gần đây) và tại Brazil và Nga, xuất khẩu giảm.


Về dịch vụ tại các thị trường mới nổi, tăng trưởng ghi nhận chủ yếu ở Ấn Độ, mặc dù giảm tới mức thấp nhất trong bốn quý gần đây. Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng chậm (chậm nhất trong 8 quý gần đây). Ngược lại, Nga ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ; và mặc dù tăng nhanh nhất trong ba quý gần đây nhưng thị trường Brazil vẫn chứng kiến mức tăng trưởng thấp trong quý IV.


Frederic Neumann, Đồng giám đốc khối nghiên cứu kinh tế tại các thị trường châu Á của ngân hàng HSBC cho biết “Trong năm 2011, các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn các thị trường phát triển, mở ra một kỉ nguyên mới phân chia thế giới thành hai cực.


Châu Á đã bước vào một chu kỳ phát triển tự lực, dẫn đầu là Trung Quốc, quốc gia đã thay thế Hoa Kỳ trở thành đầu tàu của phát triển kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, tăng trưởng đang diễn ra luân phiên trong khối các thị trường châu Á với Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và thị trường các nước ASEAN như Singapore đang đóng vai trò đầu tàu. Điều này càng khẳng định sự ổn định kinh tế tại các thị trường mới nổi so với sự bất ổn tại các thị trường phía Tây.”


Rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng trong tương lai chính là chi phí đầu vào gia tăng nhanh nhất kể từ quý II năm 2008 khi giá cả hàng hóa trên toàn cầu tăng đỉnh trước khi rớt xuống trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Chỉ số chi phí đầu vào tăng sáu điểm so với quý trước, báo trước nguy cơ tăng sức ép lạm phát tại các thị trường mới nổi.


Các nhà sản xuất thấy gánh nặng chủ yếu rơi vào chi phí mua nguyên liệu sản xuất cao hơn trong quý IV, với các chi phí đầu vào tăng cao nhất trong hơn hai năm rưỡi qua. Các nhà cung cấp dịch vụ ghi nhận mức gia tăng chi phí đầu vào thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất, nhưng tốc độ tăng này cũng đạt cao nhất tính từ quý III năm 2008.


Kết quả cuộc khảo sát EMI quý IV năm 2010 cũng bao gồm một bảng phân tích các xu hướng hình thành trong suốt năm 2010 được xác định dựa vào chỉ số.


Nhìn chúng, xét tính tương quan trong dài hạn giữa EMI và GDP, chỉ số EMI hướng tới mức tăng GDP tại các thị trường mới nổi ở mức 8% một năm trong quý tư năm 2010, hạ từ mức 9,6% trong quý I.


Các yếu tố về cầu trong nước và xuất khẩu có một vai trò quan trọng giải thích các xu hướng tăng trưởng kinh tế khác nhau tại các quốc gia trong năm 2010.


Số liệu ghi nhận trong cuộc khảo sát EMI cho thấy nhu cầu trong nước đã giúp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi trong khi tại các nước phát triển, nhu cầu trong nước bị tác động bởi tình trạng thất nghiệp cao, chi phí công bị cắt giảm và các hộ gia đình đang mắc nợ.


Theo một xu hướng đồng nhất trong suốt năm 2010, số liệu EMI cho thấy nhu cầu trong nước tại các thị trường mới nổi tăng nhanh so với các thị trường phát triển, nguyên do là nhờ vào lực đẩy của lực lượng lao động.


Tuy nhiên, có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước của các thị trường phát triển sẽ nhanh chóng gia tăng lại khi thị trường việc làm được cải thiện.


Như đã được nêu ra lần đầu trong cuộc khảo sát EMI trong quý IV năm 2009, động lực cho phát triển kinh tế toàn cầu tiếp tục dịch chuyển về phía Đông khi các thị trường mới nổi ngày càng gia tăng hoạt động thương mại giữa các quốc gia này với nhau, đáng chú ý nhất là giao thương giữa các quốc gia phía nam với nhau như trong phân tích của cuộc khảo sát hồi quý II năm 2010.


Chính những mối giao thương này, giống như việc hồi sinh lại Con Đường Tơ Lụa kết nối với các quốc gia phát triển, là tiềm năng để tạo nên một kỉ nguyên phát triển rực rỡ cho các nền kinh tế mới nổi trong thập kỉ tiếp theo.

Các số liệu trong khảo sát EMI của HSBC sử dụng nguồn số liệu từ cuộc khảo sát chỉ số PMI cung cấp bởi công ty cung cấp thông tin tài chính toàn cầu Markit. Năm 2009, HSBC đã chính thức bắt đầu hợp tác với Markit để tài trợ và tiến hành các cuộc khảo sát PMI tại một số thị trường mới nổi.

Kết quả cuộc khảo sát EMI của HSBC được công bố hàng quý và có thể tìm thấy tại địa chỉ trang web www.hsbc.com/emergingmarketsindex


Hà Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN