Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

Nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn của Nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm. Động thái này nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập.

Lãi suất khó giảm sâu

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, tuy các NH giảm lãi suất, nhưng mức giảm khó như kỳ vọng. Nguyên nhân, một số NH có quy mô nhỏ hoặc tầm trung đã niêm yết lãi suất huy động lên mức kịch trần là 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng, và chạy đua lãi suất kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng lên tới 8%/năm… Từ đó, các NHTM lớn cũng đã nhập cuộc và tăng dần lãi suất huy động lên khoảng 0,5 - 1% như Vietcombank, BIDV, Vietinbank…. Việc chạy đua tăng lãi suất huy động không chỉ giúp các ngân hàng cạnh tranh thị phần mà còn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và chuẩn bị nguồn vốn để phù hợp với dự thảo sửa đổi Thông tư 36 (dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017). Từ đó, đã gây áp lực rất lớn lên nỗ lực hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ DN theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng. Mặt khác, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh và dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 cao hơn năm 2015 cũng sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn. Áp lực về kết quả kinh doanh, chia cổ tức và tăng vốn điều lệ của các NH vẫn rất lớn, kể cả các NH lớn trong nước, làm cho các NHTM nhỏ và trung rất khó hạ lãi suất vì họ không có nhiều nguồn vốn huy động giá rẻ. Ngay cả việc lách trần lãi suất USD 0% thông qua quà khuyến mãi, tặng thêm lãi suất khi khách hàng gửi USD càng làm cho chi phí huy động vốn VND ngày càng cao và NHNN ngày càng khó kiểm soát.

Tuy hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp không dễ gì tiếp cận được vốn rẻ.

Ngoài ra, yêu cầu giải quyết nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro và việc tuân thủ ngày càng cao các chuẩn mực của Basel 2 cũng đang làm cho các NH ngày càng gia tăng chi phí. Từ đó, các NH rất ít có cơ hội để hạ lãi suất, trừ khi khách hàng phải đáp ứng các điều kiện của NH một cách cực kỳ nghiêm ngặt. Vì thế, theo TS Bùi Quang Tín, với các nguyên nhân như trên, các NH dường như “hết cửa” để hạ lãi suất huy động. Còn đối với lãi suất cho vay, nếu hạ xuống thì rõ ràng các chỉ tiêu lợi nhuận của NH sẽ giảm theo như: NIM (Biên lãi thuần), ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hay ROA (Lợi nhuận trên tài sản)…

Tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù vừa qua các NH lớn, nhỏ đang có nhiều nỗ lực để giảm lãi suất cho vay, nhưng để DN tiếp cận được nguồn vốn rẻ là không hề dễ dàng. Cụ thể, DN phải đáp ứng nhiều điều kiện vay vốn khắt khe như phương án kinh doanh hiệu quả, đầy đủ báo cáo tài chính, tài sản thế chấp có chất lượng tốt và đầy đủ tính pháp lý… Ví dụ như, BIDV có lãi suất cho vay ngắn hạn giảm nhẹ (khoảng 0,5%) nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng tốt, vay vốn để sản xuất kinh doanh. TPBank công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm với đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NH này và các DN công nghiệp phụ trợ…

Thế nhưng, trên 95% DN Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nên phần lớn không đáp ứng đủ các yêu cầu trên bởi tài sản thế chấp của DNVVN thường thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn của DN. Bên cạnh đó, hình thức cho vay bảo lãnh chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian qua và các NH cũng hiếm khi cho các DN vay tín chấp theo hình thức này. “Do đó, việc tiếp cận vốn của DNVVN lại càng khó khăn mặc dù lãi suất cho vay với loại hình DN này có giảm xuống theo các gói cho vay ưu đãi của Nhà nước”, TS Tín nhận định.

Cũng theo TS Tín, để DN thực sự tiếp cận được vốn rẻ, các NH cần tích cực hỗ trợ cho các DN về các thủ tục vay vốn để đáp ứng các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng. Chẳng hạn, về tài sản thế chấp, khi tài sản của khách hàng có giấy tờ pháp lý chưa đầy đủ thì NH có thể tư vấn, giúp đỡ, thậm chí có thể làm dịch vụ pháp lý cho khách hàng để khách hàng có 1 bộ hồ sơ thế chấp đầy đủ; hay khi khách hàng không có đủ tài sản thế chấp thì NH nghiên cứu để có giải pháp cho vay tín chấp… Về lập một phương án kinh doanh để vay vốn NH, thông thường khách hàng không quen với cách này, NH có thể tư vấn và giúp khách hàng để có một bộ hồ sơ đầy đủ, đúng với thực trạng kinh doanh của DN và vẫn đúng với quy định của pháp luật; hay khi khách hàng chưa có một phương án kinh doanh hiệu quả và phù hợp thì NH tìm giải pháp và cùng với họ để chuẩn bị về mặt thời gian, phương thức phù hợp…

Ngoài ra, TS Tín cũng đề nghị các NH cần tiết giảm chi phí hơn nữa nhằm có chi phí đầu vào rẻ hơn, từ đó giúp giảm lãi suất cho vay một cách hiệu quả, như: tiền lương, cải tiến năng suất lao động, các chi phí quản lý khác… Giải quyết tốt nợ xấu cũng là giải pháp giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận thực trong hoạt động kinh doanh NH.

Một cái khó khác của DN hiện nay chính là tồn kho tăng, hết tài sản đảm bảo và có nợ xấu nên không thể tiếp cận được vốn của NH, nhất là với DNVVN. Do đó, các NH cần nghiên cứu và làm việc với các DN này, nếu các DN này có khả năng phục hồi thì NH cần hỗ trợ như giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, chuyển nợ thành cổ phần, tư vấn, hỗ trợ quản trị DN, pháp lý.
Bài và ảnh: Hải Yên
WB, AIIB có chương trình cho vay vốn chung đầu tiên
WB, AIIB có chương trình cho vay vốn chung đầu tiên

Ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) về chương trình cho vay vốn chung đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN