Ham lãi cao, hàng ngàn người bị ‘mắc kẹt’ với quỹ đa cấp tài chính

Sau vài năm vắng bóng, hình thức đầu tư tài chính đa cấp qua mạng lại đang “tưng bừng” trở lại tại Việt Nam và tất nhiên, mô hình kinh doanh này vẫn chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hình thức kinh doanh quỹ đầu tư đa cấp tài chính cũng biến tướng hơn, các sản phẩm được dùng để trao đổi trong mạng lưới cũng mang tính "thời thượng" hơn dù “bình mới nhưng rượu cũ”.

Lãi “khủng” đến bất ngờ

Trước đây, mô hình kinh doanh đa cấp tài chính được nhiều người biết đến là kinh doanh tiền ảo như Bitcoin, onecoin, octacoin… hay khóa học làm giàu, hợp tác đầu tư các dự án bất động sản, nông nghiệp, thương mại điện tử... với các mức lãi suất "khủng”.


Và gần đây nhất quỹ đầu tư tài chính đa cấp xuyên quốc gia Questra Holdings đang hoạt động mạnh tại TP Hồ Chí Minh với mức trả lãi khổng lồ, trung bình 7%/ngày. Hiện quỹ Questra Holdings đang tiếp tục mở rộng ở các tỉnh thành khác trên cả nước.

Cách hướng dẫn đầu tư của quỹ đầu tư đa cấp xuyên quốc gia Questra Holdings.

Trung bình một buổi hội thảo của quỹ mở đầu tư Questra Holdings được tổ chức thu hút hơn 100 người dân tham gia. Nội dung chia sẻ tại buổi hội thảo này chủ yếu đề cập tới nguồn lợi nhuận. Theo người đại diện của tổ chức này, nguồn lợi nhuận là cực kỳ lớn, người tham gia không có bất kỳ rủi ro nào.


Cụ thể, nếu nhà đầu tư được tham gia gói bảo hiểm tài chính với mức phí 10% trên lợi nhuận có được và sẽ được bảo toàn vốn 100%; có thể đầu tư từ 90 Euro đến vài trăm nghìn Euro với lợi nhuận 7%/tuần, gần 400%/năm. Đây thực sự là một mức lợi nhuận khổng lồ.


Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Tin Tức được biết, quỹ đầu tư đa cấp xuyên quốc Questra Holding có giao diện website đăng ký tại Tây Ban Nha, địa chỉ tại 28046 Madrid, Paseo de la Castellana 9, lầu 3, phòng C, giấy phép đăng ký kinh doanh số 1799610, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bất động sản, đấu giá các doanh nghiệp, hỗ trợ và tài trợ các công ty cổ phần hóa (IPO).


Theo như thông tin tiếp thị, mời gọi đầu tư bằng tiếng Việt thì có nội dung khá hấp dẫn. Cụ thể, lợi nhuận từ 4-7%/tuần, tính ra lợi nhuận lên đến hơn 300%/năm. Tuy nhiên, công ty này không có trụ sở hay văn phòng đại diện tại Việt Nam, toàn bộ giao dịch đều là trực tuyến. Nhưng theo những thành viên trong mạng lưới này, hiện đã có hàng ngàn người tại Việt Nam tham gia vào hệ thống này.


Được biết, để tham gia vào mạng lưới, nhà đầu tư phải đóng phí hợp đồng 29,9 euro (gần 800.000 đồng), tiền phí này sẽ bị trừ trên tài khoản Questra. Mức thấp nhất mà mạng lưới này chấp nhận để nhà đầu tư tham gia là 90 Euro (gần 2,4 triệu đồng), thanh toán dưới nhiều hình thức khác nhau từ đồng tiền ảo bitcoin, thanh toán trực tuyến (PM), ví điện tử (advcash), chuyển tiền qua tài khoản OkPay… Việc trả lãi được thực hiện theo tuần nên các thành viên của mạng lưới này rất hào hứng chia sẻ mức phí tham gia để lên cấp bậc cao hơn.


Nếu các thành viên tham gia bày tỏ sự lo ngại về sự minh bạch của mạng lưới thì sẽ được thành viên trấn an: “Đây là một quỹ đầu tư uy tín, lâu năm tại châu Âu nên không cần lo lắng. Còn nếu chưa yên tâm thì có thể mua bảo hiểm để tránh rủi ro”.


Rất nhiều rủi ro


Đánh giá về mô hình đa cấp này, theo chuyên gia kinh tế Luật sư – Tiến sĩ (LS.TS) Bùi Quang Tín, đây thực sự là hình thức huy động tiền đa cấp theo hình thức kim tự tháp, ponzi, tức lấy tiền người sau trả cho người trước, giống như Liên Kết Việt, Hoàng Gia… Thêm nữa, với tỷ lệ sinh lời quá cao, lên đến gần 30%/tháng, tức trên 300%/năm, thực sự là phi thực tế và muốn đánh vào lòng tham của nhiều người. Theo đó, không dễ hưởng lãi “khủng” như quảng cáo của công ty này.


Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước chưa cấp giấy phép nào cho đồng tiền ảo. Điều này cũng đồng nghĩa, quỹ mở đầu tư Questra Holdings này đang hoạt động trái phép tại Việt Nam và sẽ không có sự bảo vệ nào dành cho nhà đầu tư trước mọi rủi ro nếu có.


Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định, không có một ngành nghề kinh doanh nào mà tiền lãi bằng tiền gốc bỏ ra chỉ trong vòng mấy ngày, trừ đánh bạc. Nhưng đánh bạc cũng đồng nghĩa với nguy cơ trắng tay. Chưa kể, muốn huy động tiền của dân, các doanh nghiệp phải được cấp phép, song những mạng lưới trên đứng ngoài vòng pháp luật. Như vậy, người chơi càng rủi ro vì khi bất trắc xảy ra, họ không thể nhờ pháp luật can thiệp.


Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bất chấp những rủi ro được cảnh báo, hàng trăm đến hàng ngàn người vẫn tham gia do mạng lưới này “giăng” khá nhiều “chim mồi”, dùng nickname ảo lên các diễn đàn đầu tư trực tuyến mời gọi, thu hút thành viên bằng những khoản thưởng “khủng” cùng những lời hứa hẹn.


Theo đó, LS.TS Bùi Quang Tín khuyến cáo, mọi người nên tỉnh táo trước lợi nhuận "khủng", vì mô hình đầu tư tài chính đa cấp ngày càng biến tướng với nhiều hình thức tinh vi. Nếu đầu tư, người chơi nên kiểm tra xem các mô hình đầu tư này đã được Ngân hàng Nhà nước và pháp luật thừa nhận hay chưa.


Bên cạnh đó, xem chủ tài sản là ai và lịch sử hoạt động ra sao, việc sử dụng tiền như thế nào, tính pháp lý, hồ sơ tài chính, nội dung của thoả thuận gửi tiền. Ngay cả người đi vay tiền cũng cẩn trọng, xem cách thức rành buộc khi đi vay về thời gian trả, lãi phạt, thoả thuận vay, ..


Hải Yên/Báo Tin Tức
Siết chặt biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp mới
Siết chặt biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp mới

Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo và Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố đồng tiền ảo không có giá trị pháp lý nhưng với những thủ đoạn tinh vi, tiểu xảo gây hấp dẫn, nhiều người tiêu dùng vẫn như những con thiêu thân lao vào một cuộc chơi mới dưới hình thức đa cấp trá hình thực hiện giao dịch tiền ảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN