Hạ lãi suất - Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp

Sau thời gian dài doanh nghiệp (DN) mong ngóng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ lãi suất kể từ ngày 24/12. Theo đó, trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ ngắn hạn là 8%/năm (giảm 1%/năm so với trước); lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực và DN nhỏ và vừa được giảm 1%, xuống còn 12%/năm.


Đây được xem là tín hiệu tích cực cho các DN Việt Nam, đặc biệt DN nhỏ và vừa trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Cơ hội để doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh

 

NHNN cho rằng việc giảm lãi suất sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN bởi sức mua của thị trường đang ở mức thấp, hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của DN còn hạn chế...

 

Các doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn khi ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

 

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Dự báo đến hết năm nay sẽ có khoảng 55.000 DN giải thể do lâm vào tình trạng kinh doanh khó khăn.


Nhằm tháo gỡ một trong những khó khăn lớn nhất của DN là vay vốn, cuối tuần qua, NHNN đã thông báo điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và cho vay áp dụng từ ngày 24/12 đối với một số lĩnh vực. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, NHNN cho phép tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.


Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao.


Như vậy đây là lần thứ 6 liên tiếp trần lãi suất tiền gửi VND giảm, từ mốc 14% vào đầu năm. Theo NHNN, trong năm 2012, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7%). Lạm phát giảm cũng là thời điểm “chín” để hạ lãi suất.


Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa nói: “Đang lúc khó khăn như thế này, khi lãi suất hạ, DN chớp thời cơ vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì mới hy vọng hoạt động của DN được khôi phục”.


“Cùng với việc hạ lãi suất, các DN cũng trông đợi Nhà nước thực hiện các giải pháp mang tính đột phá về thị trường để tháo gỡ khó khăn cho DN”, đại diện Công ty Canađa Home Decor nói. Chia sẻ với phóng viên Tin tức, đại diện DN chuyên nhập khẩu linh kiện lắp ráp máy móc hàng công nghiệp này ở Hà Nội chia sẻ: “Phải nhanh chóng hạ lãi suất sâu thì mới giúp DN sản xuất được các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài, giảm lãi suất là giảm bớt rủi ro và khó khăn không những cho DN mà cho chính ngân hàng”.


Tuy nhiên, ngay sau khi NHNN công bố hạ lãi suất. Không ít người dân cũng như DN đã thất vọng vì NHNN công bố áp trần lãi suất huy động nhưng lại không áp trần lãi suất cho vay.


Nhiều ý kiến cho rằng: NHNN áp trần lãi suất huy động kỳ ngắn hạn 8% nhưng vẫn thả nổi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, chưa kể hiện tượng lách luật huy động nên khả năng DN tiếp cận vốn vay lãi suất thấp sẽ rất khó...


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) nói: “Nếu áp trần lãi suất cho vay cách đây một năm hoặc nửa năm thì DN sẽ đỡ khó khăn hơn. Áp trần lãi suất cho vay là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.

 


Minh Phương

Giảm thuế và lãi suất để gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

“Cục máu đông” của thị trường bất động sản (BĐS) chưa tan, nợ xấu vẫn đang hoành hành đã ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống nền kinh tế. Trước tình thế cấp bách này, ngành tài chính và ngân hàng đang dốc sức đưa ra các giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) BĐS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN