Giao dịch ký quỹ tỉ lệ thấp: Nguy cơ “lách luật”

Giao dịch ký quỹ (magin) là công ty chứng khoán (CTCK) dựa vào giá trị vốn trong tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) để cho NĐT vay thêm để mua – bán chứng khoán. Cho đến nay, những CTCK dư giả về vốn vẫn đang cho NĐT sử dụng magin với tỉ lệ 30:70. Nghĩa là NĐT chỉ cần có 300 triệu đồng, sẽ được CTCK cho vay thêm 700 triệu đồng để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh, UBCKNN, việc CTCK cho NĐT sử dụng magin ở mức cao không chỉ gây rủi ro NĐT mà cho cả thị trường.

Magin tỉ lệ thấp phòng ngừa rủi ro

Phong trào sử dụng magin trên TTCK Việt Nam khởi phát từ cuối năm 2009 và sôi động trong năm 2010 do có nguồn tín dụng từ các ngân hàng, quỹ tài chính “bơm” cho các CTCK để cho các NĐT trên thị trường vay. Tuy nhiên, biện pháp này được áp dụng tràn lan trong bối cảnh TTCK xuống dốc không phanh đã gây ra nhiều rủi ro.

Thực tế trong thời gian qua, do áp dụng magin ở tỉ lệ cao, nhiều NĐT đã “cháy” tài khoản còn thị trường thì cũng đã có không dưới 2 đợt giải chấp magin quy mô lớn, ảnh hưởng tiêu cực với thị trường. Đây là lý do UBCKNN trong quy định mới về thực hiện giao dịch ký quỹ (magin) đã yêu cầu các CTCK chỉ được hỗ trợ NĐT ở mức 70:30. Tức NĐT có 700 triệu đồng thì CTCK chỉ được cho vay thêm 300 triệu đồng.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Bên cạnh việc quy định tỉ lệ magin thấp, UBCK còn nghiêm cấm các CTCK triển khai dịch vụ hợp tác đầu tư. Đó là việc CTCK ký hợp đồng hợp tác với NĐT đầu tư chứng khoán. Theo hợp đồng này, NĐT chỉ cần có 10 – 20 triệu đồng, CTCK cho phép NĐT mua thêm chứng khoán với giá trị tới 80 – 90 triệu đồng (nhưng NĐT phải chịu lãi suất cao). Theo ông Sơn, đây là hình thức lách luật của CTCK để cho NĐT sử dụng magin ở mức cao. Hợp đồng kiểu này gây rủi ro cho NĐT ở mức cao hơn vì tỉ lệ cho vay vốn lên đến 20:80, thậm chí 10:90.

Về việc quản lý và xử lý vi phạm, ông Sơn cho biết, CTCK phải công khai trên website của mình danh mục cổ phiếu cho NĐT sử dụng magin. Đồng thời báo cáo với các sở GDCK để làm cơ sở giám sát. Hàng tháng, các CTCK phải báo cáo UBCK về giao dịch ký quỹ để UBCK có cơ sở giám sát, đánh giá mức độ tuân thủ các CTCK trong quá trình triển khai margin. CTCK vi phạm các quy định nêu trên sẽ bị tạm dừng triển khai magin.

Lo ngại lách luật

Đối với các CTCK và các NĐT “lướt sóng” hiện nay, có thể nói việc UBCKNN ra quy định tỉ lệ magin chỉ được phép sử dụng với mức 70:30 là liều “thuốc đắng” cho hai đối tượng này.

Với CTCK, trong bối cảnh giao dịch của TTCK ảm đạm, thanh khoản giảm sút, các CTCK phải ngược xuôi tìm vốn cho NĐT sử dụng magin ở mức cao để có doanh thu (hưởng phí giao dịch 4%/doanh thu). Nay với tỉ lệ magin thấp và phải tuân thủ nghiêm túc thì doanh thu của các CTCK sẽ sụt giảm đáng kể. Đối với các “đội lướt sóng”, nếu chỉ được sử dụng tỉ lệ 70:30 như quy định thì có thể coi “sân chơi” đã hết hấp dẫn với các NĐT này.

Một môi giới xin không nêu tên của CTCK có trụ sở tại phố Đào Duy Anh, Hà Nội cho biết, nguồn thu duy nhất của các CTCK hiện nay là phí môi giới. Và để có phí này, các CTCK phải huy động toàn bộ vốn để cho các NĐT sử dụng. Và càng cho NĐT sử dụng magin ở mức cao thì doanh thu CTCK càng lớn, phí môi giới càng nhiều. Vì thế, các CTCK không dễ tuân thủ tỉ lệ magin như UBCKNN quy định.

Theo bật mí của nhiều môi giới CTCK, với quy định magin tỉ lệ thấp của UBCKNN, các CTCK sẽ lại nghĩ ra các loại hình đầu tư khác lách luật để có doanh thu.

Ví như dịch vụ kết nối nhà đầu tư của CTCK Gold Bridge hoặc các CTCK bỏ vốn ra mua một “kho cổ phiếu” để cho các NĐT sử dụng magin tỉ lệ cao, đồng thời cũng giúp các NĐT giao dịch chứng khoán với thời gian T=0, mặc dù UBCK đang quy định chỉ được phép giao dịch T+4.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN