Đôn đáo tìm khoản vay mới hưởng lãi suất thấp

Trước các khoản vay cũ lãi suất quá cao, nhiều doanh nghiệp và khách hàng cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh chạy đôn chạy đáo tìm khoản vay mới trả nợ cũ để hưởng lãi suất thấp. Dù vậy, không phải doanh nghiệp hay khách hàng nào cũng có thể dễ dàng có được lãi suất thấp, ưu đãi như các ngân hàng công bố.

 

Gánh nặng nợ cũ


Nhìn ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất xuống còn 13 -14%/năm đối với khoản vay trong diện ưu đãi, 16,5 - 17%/năm với những khoản vay tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đứng ngồi không yên khi lãi suất nợ cũ vẫn bị neo ở mức 19 - 20%/năm.


Anh Quốc Minh, khách hàng của ngân hàng T. chi nhánh quận Phú Nhuận - TP.HCM không khỏi bức xúc, cho biết hiện anh vẫn đang vướng khoản vay cũ với lãi suất 21%. Trong khi đó, lãi suất mới của ngân hàng hiện đang hạ xuống 16 - 17%/năm. Để hưởng lãi suất này, anh phải đợi đến thời hạn điều chỉnh lãi suất, hoặc đáo hạn để vay mới. Tuy nhiên, phương án 1 có lẽ khó thực hiện vì thời gian chờ điều chỉnh còn vài tháng nữa, chưa kể mỗi lần điều chỉnh ngân hàng chỉ hạ chút ít chứ không hạ theo lãi suất của thị trường.


 

Khách hàng làm thủ tục vay với lãi suất ưu đãi tại HDBank chi nhánh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Tương tự, chị Hà Minh - khách hàng của ngân hàng H. tại quận 1 - TP.HCM cũng “ngậm đắng” khi vẫn chịu lãi suất hơn 19%/năm. Theo chị Hà Minh, đáng lẽ ngân hàng phải quan tâm khách hàng cũ thì lại chỉ lo “chèo kéo” khách hàng mới, điều này làm khách hàng cũ thiệt thòi kép vì đã chịu lãi suất cao trong thời gian dài, nay lãi suất hạ vẫn chịu lãi suất cao.


Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc doanh nghiệp thu mua và chế biến hàng nông sản tại Hà Nội cho biết, là doanh nghiệp trong diện ưu đãi, nhưng chúng tôi vẫn khó có thể được hưởng lãi suất 13 - 14%/năm. Trong khi đó, với khoản vay gần 100 tỉ đồng, lãi suất khoảng gần 20% thật khó để trả nổi nợ gốc lẫn lãi khi kinh tế khó khăn, hàng hóa tồn kho.


Trước gánh nặng lãi suất cũ đang đè nặng, nhiều doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân đang tìm cách vay nợ mới, trả nợ cũ để hưởng lãi suất thấp. Chị Hà Minh cho biết, có nhiều ngân hàng sẵn sàng đứng ra làm thủ tục mua nợ cũ của khách hàng với lãi suất thấp, 16,5%/năm. Hiện chị đang làm việc với ngân hàng V. để được hưởng lãi suất thấp.


Tuy nhiên, theo nhân viên tư vấn tín dụng tại Ngân hàng ACB, không phải ai cũng có thể dễ dàng được vay nợ mới. Bởi nếu các khách hàng vẫn còn tài sản thế chấp, hoặc đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng thì mới có thể vay được. Thực tế, rất ít ngân hàng chịu mua khoản nợ cũ vì sợ nợ xấu. Ngoài ra, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không được cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ xấu. Thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ… Theo đó, các ngân hàng cũng rất thận trọng khi xem xét đối tượng để mua nợ cũ của khách hàng.

 

Vay mới cũng không dễ


Không vướng nợ cũ, nhưng những khách hàng vay mới cũng chưa chắc được hưởng lãi suất ưu đãi dù trong diện ưu tiên. Chị B.Thư - Giám đốc Trung tâm Giáo dục song ngữ tại khu công viên phần mềm Quang Trung cho biết: Cách đây một tháng, sau khi làm thủ tục vay ngân hàng doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao 18,5%. Trong khi đó, doanh nghiệp của chị lại trong diện ưu đãi lãi suất, bản thân ngân hàng cũng thừa nhận nhưng muốn vay vốn, chị phải chịu lãi suất như vậy.


Tương tự, một doanh nghiệp sản xuất phần mềm đang hoạt động tại Khu công nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết: Năm 2010 đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị chính hiệu có những hóa đơn chứng từ đàng hoàng nhưng khi đem số lượng thiết bị máy móc này đi thế chấp vay ngân hàng thì cán bộ ngân hàng cho vay số tiền tương đương 30% giá trị của đơn hàng này. Theo lý giải của cán bộ ngân hàng, chỉ chấp nhận cho vay với giá trị đó vì lo sợ một khi DN hoạt động không hiệu quả, số máy móc này ngân hàng sẽ không biết bán lại cho ai. Trong khi đó, khi doanh nghiệp than khó vay vốn vì không có tài sản thế chấp, các ngân hàng liền phát đi một thông điệp "trấn an" rằng tài sản thế chấp không phải là yếu tố quyết định đến khoản vay, quan trọng là DN phải có phương án kinh doanh rõ ràng thì chuyện tiền nong với ngân hàng "dễ như trở bàn tay". Thế nhưng, khi DN có phương án kinh doanh đàng hoàng, được các chuyên gia đánh giá là tối ưu nhưng khi đặt lên bàn cán bộ tín dụng... thì những đánh giá của chuyên gia đều... bằng không.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình, vẫn có những DN có thể vay được mức lãi suất thấp 13 - 13,5% như Tập đoàn Đầu tư U&I. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong những doanh nghiệp có khả năng trả nợ cũ và vay được khoản vốn mới. Thực tế, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được với các khoản vay giá rẻ gần đây. Nguyên nhân các hợp đồng đồng tín dụng trước đây điều chỉnh lãi suất từng kỳ theo 4 tháng, 6 tháng có khi là một năm. Do vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất cao. Ông Hiếu cũng cho hay, hiện tại nhiều hợp đồng tín dụng không đưa ra thời gian điều chỉnh lãi suất như trước, mà sẽ điều chỉnh theo thông báo. Vì vậy, lãi suất dù đã hạ sát đáy, doanh nghiệp rất nóng ruột để tiếp cận các khoản vay nhưng vẫn vướng phải "hàng rào" nợ cũ.


Trên thực tế, cả ngân hàng lẫn DN đều đang "vướng" vào nhau trong vòng luẩn quẩn: thị trường yếu kém, hàng tồn kho gia tăng, DN không thể trả được nợ để vay tiếp. Còn ngân hàng dù muốn giải ngân nhưng lại e ngại khoản nợ cũ và thực lực doanh nghiệp yếu kém. Ngoài ra, bản chất của việc cố giữ lãi suất cho vay ở mức cao cũng nhằm bù đắp việc đã huy động cao trước đó. Vì thế, nhiều nhân viên tín dụng ở các ngân hàng cho biết, nếu có giảm lãi suất thì cũng chỉ dừng ở 17,5%.

 

Hải Yên

Lãi suất huy động ngắn hạn giảm, dài hạn tăng
Lãi suất huy động ngắn hạn giảm, dài hạn tăng

Sau hơn một tuần Thông tư số 19/2012/TT-NHNN có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã điều chỉnh mức lãi suất huy động. Phần lớn các TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN