Điều chỉnh lãi suất: Doanh nghiệp vay vốn sẽ bớt phần “ngột ngạt”

Từ hôm nay (ngày 11/6), trần lãi suất cho vay được áp dụng ở mức 13%/năm (giảm 2% so với trước) đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế; trần lãi suất huy động VND cũng được giảm từ 11% xuống còn 9%/năm.


 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) theo lãi suất mới. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Đại diện một số ngân hàng cho rằng: Trên cơ sở chi phí đầu vào thấp, các ngân hàng sẽ có thêm điều kiện để đưa ra nguồn vốn hợp lý tới các doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn cho phép các ngân hàng được ấn định lãi suất ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, nguồn vốn trung dài hạn được kích thích tốt hơn, doanh nghiệp có những điều kiện tốt hơn để tiếp cận vốn.

 

Thực hiện giảm lãi suất nhanh


So với lộ trình giảm lãi suất mà ngân hàng đặt ra từ đầu năm là mỗi quý sẽ giảm 1% thì đến nay, việc hạ lãi suất được đánh giá là thực hiện khá nhanh. Đợt hạ lãi suất áp dụng từ ngày 11/6 là lần giảm lãi suất thứ 4 trong vòng 6 tháng đầu năm 2012. Việc giảm lãi suất được thực hiện trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về việc khó tiếp cận nguồn vốn giá “rẻ”.


Trước đợt hạ lãi suất mới nhất này, người đứng đầu của NHNN cho rằng: Từ đầu năm tới nay, lãi suất có giảm nhưng đà giảm chưa thực được như mong muốn của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, để kích thích tín dụng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, có được lãi suất thấp hơn, NHNN sẽ điều hành theo hướng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống. Cụ thể, ngày 11/6 trần lãi suất huy động VND được giảm xuống 9%/năm. “Điều này được giải thích là phù hợp với diễn biến của lạm phát, và trên cơ sở đó để yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm một bước mạnh nữa lãi suất cho vay”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định.


Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)- ông Phạm Quang Tùng nói: “Có nhiều ý kiến đang cho rằng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nhưng theo tôi cũng tùy doanh nghiệp, tùy ngân hàng. Với hàng loạt biện pháp triển khai tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn từ đầu năm 2012 đến nay, tổng dư nợ của BIDV tính đến tuần đầu tháng 6/2012 đã tăng 8,68% - đây là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của toàn hệ thống ngân hàng”.


Theo BIDV, số dư nợ tăng lớn đồng nghĩa với việc sức hấp thụ nguồn vốn của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, các biện pháp mà ngân hàng thực hiện thời gian qua cũng như chính sách hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống. “Chúng tôi cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất đối với những hợp đồng tín dụng đang có hiệu lực với mức lãi suất cao trước đây- đây là chia sẻ lớn của ngân hàng”, lãnh đạo BIDV nhấn mạnh. Liên quan tới đợt hạ lãi suất từ 11/6, đại diện BIDV khẳng định: Khi lãi suất đầu vào giảm, BIDV sẽ áp dụng ngay lãi suất đầu ra giảm.


Ông Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Thời gian qua, Agribank đã thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay. Agribank có gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gần đây nhất, gói 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất rất thấp là 12% trong khi trần lãi suất huy động lúc đó là 11%. “Có thể nói, các ngân hàng đang muốn đẩy mạnh cho vay trong khi tồn đọng tiền rất lớn, điều kiện tín dụng xem xét hạ xuống”, ông Tuyến nói. Nhưng phía Agribank cũng cho rằng: Ngân hàng cũng phải thận trọng bởi thực tế doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn nhất là tình trạng hàng tồn kho, sản phẩm đầu ra không có, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

 

Cơ cấu lại nợ, kích thích nguồn vốn dài hạn


Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, việc giảm lãi suất nhanh là nguyện vọng chung của tất cả các doanh nghiệp. Bởi khi nền kinh tế khó khăn, vấn đề cần tháo gỡ là làm thế nào để hạ lãi suất cho vay xuống, giúp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm theo. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cơ cấu lại được nợ xấu của các doanh nghiệp.


Liên quan tới vấn đề này, đại diện BIDV cho rằng: Đến nay, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ được cho 780 doanh nghiệp, khách hàng. Đây là con số còn khá khiêm tốn nhưng nhìn chung các ngân hàng còn rất thận trọng trong vấn đề này.


Đại diện Agribank nói: “Chúng tôi phải xem xét cẩn trọng. Nếu dự án của doanh nghiệp không có đầu ra, không đảm bảo thì ngân hàng không cho giãn nợ. Ví dụ như dự án bất động sản, nếu sản phẩm vẫn chưa bán được thì ngân hàng không dám bỏ vốn tiếp cho doanh nghiệp”.


Trong đợt điều chỉnh hạ lãi suất lần này có chi tiết được nhiều người chú ý hơn cả đó là sau hơn một năm, cơ chế trần lãi suất huy động VND bắt đầu có thay đổi. Theo đó, kể từ ngày 11/6, NHNN cho phép các ngân hàng được áp dụng mức lãi suất thương lượng với khách hàng gửi tiết kiệm VND kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
“Thời gian qua, chúng ta đã cào bằng nên khách hàng gửi tiền chỉ gửi 1, 2, 3 tháng. Mà người đi vay thường đề nghị vay 5 năm, 10 năm. Lấy ngắn nuôi dài là rủi ro lớn nhất cho toàn bộ nền kinh tế. Đã đến lúc đưa lãi suất về đúng bản chất cung và cầu của thị trường”, cán bộ của một ngân hàng thương mại chia sẻ.


Một chuyên gia kinh tế nhận định: Khi các kỳ hạn ngắn bị áp trần 9%/năm, để huy động vốn tốt hơn, ngân hàng thương mại đã có đất để tập trung cạnh tranh lãi suất ở các kỳ từ 12 tháng trở lên. Nguồn vốn có kỳ hạn dài hơn sẽ gia tăng, bớt rủi ro cho hệ thống. Như vậy, nếu sắp tới, các ngân hàng áp lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng cao hơn, nguồn vốn trung dài hạn được kích thích tốt hơn sẽ có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN