Điểm tựa giúp dân thoát nghèo

Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn, trở thành điểm tựa giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hợp, xóm 3 Liên Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Gia đình anh Hợp có 6 nhân khẩu, 4 lao động, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu làm ruộng, hàng năm thiếu đói vì cuộc sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt không có vốn đầu tư cho sản xuất. Năm 2009, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn, gia đình được bình xét vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo.   

Kinh tế của nhiều hộ gia đình làm tương ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) từng bước ổn định từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tính toán, cân nhắc mãi, vợ chồng anh quyết định mua 5 con lợn, 20 con gà, vịt chăn nuôi sinh sản và lấy phân bón ruộng. Được sự động viên giúp đỡ của Ban khuyến nông khuyến lâm và Hội nông dân xã, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá kết hợp trồng cây rau màu, cây ăn quả. Chịu thương chịu khó, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay trang trại của anh Hợp có trên 500 con gà, vịt, 30 con lợn, ngoài ra còn ao cá, trồng cây ăn quả, rau màu… Hiện nay nguồn thu hàng năm gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng.  

“Trước đây kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, muốn đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất trồng trọt nhưng không có vốn. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn cho vay vốn và tư vấn sử dụng nguồn vốn vay, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất trồng trọt, lấy ngắn nuôi dài, mở rộng kinh tế trang trại. Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã thoát nghèo và dần vững vàng, có điều kiện để mua sắm vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đầy đủ và nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn” - anh Nguyễn Văn Hợp chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hợp, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vay vốn ưu đãi phát triển trang trại chăn nuôi.Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Nghề làm tương Nam Đàn đã có từ rất lâu, nay vẫn được người dân địa phương gìn giữ và phát huy. Ông Phạm Hải Đường, khối trưởng kiêm trưởng làng nghề làm tương Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn cho biết, ở bất cứ thời điểm nào, người dân Nam Đàn vẫn giữ nguyên tắc vàng khi làm tương. Gia đình ông cũng vậy, mỗi năm gia đình chuẩn bị 1 tấn nếp, muối, đậu tương để làm ra sản phẩm tương Nam Đàn. Đầu năm 2010, làng tương Phan Bội Châu được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện làng có trên 200 hộ, trong đó hơn 30 hộ làm tương chuyên nghiệp, hàng năm cung cấp cho thị trường 400.000 lít, giá trị hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ sản xuất 30 - 40.000 lít/năm.  

 Xác định nghề làm tương là nghề cổ truyền, chính quyền địa phương cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn luôn có chính sách quan tâm, tạo điều kiện để làng nghề phát triển. Nắm bắt nhu cầu của người dân làng nghề đang rất cần vốn để đầu tư mua nguyên liệu, thay đổi mẫu mã sản phẩm và mở rộng sản xuất, thuê nhân công lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn đã giải quyết cho 10 hộ gia đình vay làm tương, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã giảm đi khó khăn cho làng nghề.  

“Trong thời vụ du lịch, khách thập phương đến tỉnh Nghệ An rất đông. Nhu cầu muốn mua sản phẩm tương Nam Đàn về làm quà rất lớn, trong khi đó người dân làng nghề chưa đáp ứng đủ số lượng sản phẩm cho du khách. Chúng tôi đề xuất các cơ quan chức năng, ngân hàng nên hỗ trợ cho làng nghề vay vốn với mức vay lớn hơn để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất với quy mô lớn hơn” - ông Đường kiến nghị.  

Với mục tiêu giúp người dân chiếc “cần câu” để thoát nghèo, vì vậy không đơn thuần là cho vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn đã nỗ lực đến với từng xã, từng xóm nghèo để làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây bằng việc định hướng và giúp người dân chăn nuôi, trồng trọt.   

Để vốn vay đạt hiệu quả cao, trong quá trình triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội mở các điểm giao dịch tại các xã, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn. Ngân hàng còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận ủy thác để hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân bổ. Sau mỗi lần giao dịch, Ngân hàng lại tổ chức họp giao ban tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị xã hội, đại diện chính quyền xã đánh giá lại hoạt động giao dịch của ngày hôm đó, đồng thời tuyên truyền về các chế độ chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương, chương trình cho vay mới, chương trình có dư nợ thấp.   

Tại cuộc giao ban sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể xã, thị trấn, của tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, kịp thời phát hiện sai sót, khẩn trương khắc phục, đồng thời chấn chỉnh hoạt động của tổ. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, các chính sách tín dụng ưu đãi được tuyên truyền, thực hiện một cách dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và những đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.  

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ông Nguyễn Sỹ Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn cho biết, ngân hàng đã phối hợp với các ban ngành chức năng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập huấn, hướng dẫn cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với đặc điểm trên địa bàn huyện Nam Đàn, làm sao cho bà con khi vay vốn phát huy được hiệu quả nguồn vốn.   

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn giải ngân cho bà con kịp thời để tạo nguồn vốn làm ăn hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 2,5 - 3%/năm.   

Thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện đồng bộ 4 giải pháp, trong đó Ngân hàng sẽ huy động mọi nguồn vốn, trong đó nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn của ngân sách Trung ương để đầu tư cho các hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn. Dự kiến, tăng trưởng hàng năm từ 5 - 7%, với số vốn tăng trưởng mới 354 tỷ đồng và giải ngân hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng, để phục vụ cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách khoảng 80.000 đến 100.000 hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách vay vốn phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống.   

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh với dư nợ đạt hơn 6.500 tỷ đồng, với 301.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ở mức an toàn, đến nay nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21%/tổng dư nợ.

Bích Huệ
Để chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động hiệu quả hơn
Để chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động hiệu quả hơn

Đã có nhiều làng quê đổi thay nhờ xuất khẩu lao động, đã có nhiều gia đình bước sang trang mới nhờ đưa người thân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN