Đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011- 2015, nhiều ngân hàng nhỏ sẽ phải sáp nhập với những ngân hàng lớn. Việc sáp nhập đang được tăng tốc là một trong những động thái nhằm thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn chủ trương tái cơ cấu ngân hàng.


Sẽ có thêm nhiều ngân hàng phải sáp nhập


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ cuối năm 2011 khi thực hiện sắp xếp lại một số ngân hàng yếu kém. Đến nay, nhiều thương vụ hợp nhất, sáp nhập đã hoàn tất như Tín Nghĩa, Đệ Nhất hợp nhất cùng SCB, Habubank sáp nhập vào SHB, Western Bank được sáp nhập vào PVFC để lập nên PVCombank.

Thương vụ sáp nhập thành công của Habubank vào SHB.


Theo lãnh đạo NHNN, trong quý 2 này sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tái cấu trúc lại một số các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, dự kiến sẽ có từ 6 - 7 ngân hàng hợp nhất, sáp nhập; đưa tổng số các ngân hàng giải thể, sáp nhập từ trước đến nay khoảng 7 - 10 ngân hàng.


Một trong số những cái tên được dư luận quan tâm trong lĩnh vực mua bán sáp nhập ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), bởi đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông năm 2014 mới đây, dù có những ý kiến bức xúc và phản đối, vấn đề quan trọng được nhiều cổ đông quan tâm nhất là tờ trình chủ trương sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank cuối cùng cũng được thông qua với 97,31% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết.


Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP) Xăng dầu Petrolimex - PG Bank đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 trên trang web của mình. Thông tin đáng lưu ý là Hội đồng quản trị của PG Bank đã đề xuất Đại hội đồng cổ đông chấp thuận phương án tái cấu trúc PG Bank với sáp nhập Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).


Hiện nay, dư luận cũng đang quan tâm đến Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của NHTMCP Hàng Hải (Maritime Bank) sẽ được tổ chức vào ngày 19/4. Tại đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Maritime Bank sẽ trình Đại hội thông qua việc sáp nhập một TCTD vào ngân hàng này. Hiện, Maritime Bank chưa tiết lộ chính thức tên tuổi của TCTD mà ngân hàng này dự định sẽ sáp nhập. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Ngân hàng Mê Kông (MDB) cho biết về khả năng sẽ sáp nhập vào Maritime Bank. “Thương vụ sáp nhập vào Maritime Bank đang được hai bên ráo riết hoàn tất. Tờ trình xin sáp nhập sẽ được ngân hàng hai bên bổ sung vào các nội dung xin ý kiến cổ đông tại đại hội sắp tới”, đại diện Ngân hàng MDB cho biết.


Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế trên cho thấy, các ngân hàng nhỏ sẽ khó tránh được việc sáp nhập. Các ngân hàng nhỏ, yếu kém đang lên phương án tìm kiếm đối tác để thương thảo, đàm phán với đối tác tự sáp nhập trước khi NHNN buộc phải sáp nhập. Theo NHNN, việc sáp nhập ngân hàng là xu thế tất yếu để tận dụng một số thế mạnh như: Quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới và con người. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cổ đông của ngân hàng “khỏe” đã phản đối sáp nhập với ngân hàng yếu hơn vì không muốn nặng gánh.


Tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu


Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Còn các ngân hàng khác đã cơ bản ổn định sau khi thực hiện tái cơ cấu. Đặc biệt, một số ngân hàng sau hợp nhất không những trả được nợ vay tái cấp vốn của NHNN mà còn trả được trên thị trường liên ngân hàng, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.

TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Sau khi sáp nhập giữa ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn, trước mắt hoạt động của ngân hàng mới sẽ gặp khó khăn nhất định. Ví dụ, như khi sáp nhập Southern Bank vào Sacombank thì sẽ có khó khăn tạm thời vì Southern Bank không phải là ngân hàng mạnh, khi sáp nhập Sacombank cũng phải gánh nợ xấu từ ngân hàng này. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, đó cũng là lẽ thường mà các thương vụ sáp nhập trước đã thực hiện thành công như Đại Á ngân hàng (DaiA Bank) sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) hay Ngân hàng Habubank sáp nhập ngân hàng SHB… Theo đó, sau khi sáp nhập, nhiều ngân hàng đã hoạt động ổn định hơn, thanh khoản tốt hơn.


Một trong những mục đích của việc sáp nhập ngân hàng là góp phần tích cực để xử lý nợ xấu. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD hiện nay đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 - 3,9%. Nhưng theo NHNN, tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. “Con số này có giảm do chúng ta dùng các công cụ tài chính để xử lý (trong đó có việc sáp nhập ngân hàng) nhưng cũng có phần do tồn kho trong nền kinh tế đã cải thiện, đặc biệt là bất động sản”, Thống đốc nói và khẳng định, mục tiêu mua thêm từ 70- 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay của VAMC là hoàn toàn khả thi.


Để xử lý nhanh nợ xấu, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện một số văn bản quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư ngoại. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến khoản nợ xấu này và họ tiếp xúc với NHNN tìm hiểu mua lại nợ xấu nhưng còn một số vấn đề thủ tục pháp lý, đặc biệt là vấn đề đất đai. Theo thạc sỹ Nguyễn Minh Phương, để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu trong hệ thống các TCTD, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD. Theo đó, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng TCTD, bảo đảm các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải hợp lệ với quy định của pháp luật; kết hợp giám sát việc trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD và cần có biện pháp xử phạt thích đáng đối với TCTD vi phạm các quy định về xử lý nợ xấu.


Minh Phương

Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 5,6%
Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 5,6%

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) họp báo công bố "Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2014", đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN