Công ty Chứng khoán “lách luật” tạo doanh thu

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã chìm trong xu hướng giảm 2 năm nay, giá trị giao dịch của thị trường ngày càng sụt giảm. Đặc biệt trong vài tháng trở lại đây, giá trị giao dịch của cả hai sàn cộng lại chỉ khoảng trên, dưới 400 tỉ đồng/phiên, đẩy hàng loạt Công ty chứng khoán (CTCK) lâm vào cảnh khó khăn. Để trụ lại thị trường, nhiều CTCK dùng nhiều chiêu lách luật để tạo doanh thu, chống lỗ.

Đã có T+ 0 công khai

Chuyện NĐT mở nhiều tài khoản tại một CTCK hay được CTCK cho bán chứng khoán T+3, mua chứng khoán T+2 mới phải trả tiền… đã trở thành chuyện xưa. Đầu tháng 7, chị Nguyễn Thị Thanh, nhà đầu tư của sàn Chứng khoán Nông nghiệp tại phố Ngọc Khánh – Hà Nội được bạn đầu tư giới thiệu về dịch vụ kết nối nhà đầu tư, có tên gọi iBrocker Pro của Công ty Chứng khoán Golden Bridge – GBVS (Hàn Quốc). Theo giải thích của người bạn, dịch vụ này là việc nhân viên CTCK đứng ra giới thiệu nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn và NĐT dài hạn hợp tác để cùng có lợi. Theo cách này, các NĐT có thể bán chứng khoán với thời hạn T+0 hoặc + 1 tùy ý.

Theo bà Trần Vân Anh, Trưởng phòng Truyền thông của GBVS dịch vụ của GBVS xuất phát từ việc, trong các NĐT của CTCK có không ít NĐT mua cổ phiếu với quan điểm đầu tư dài hạn (không lướt sóng). Và bên cạnh đó, cũng có khá nhiều NĐT thích mua – bán cổ phiếu hàng ngày để tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, GBVS mới thiết kế gói sản phẩm kết nối nhà đầu tư. Theo đó, nhân viên môi giới của GBVS sẽ đứng ra chắp nối để NĐT có chứng khoán lâu dài sẽ cho NĐT không có chứng khoán “mượn” để bán chứng khoán trước rồi mua trả lại sau. Để mượn được chứng khoán bán trước, NĐT lướt sóng phải đặt cọc 1 khoản tiền nhất định (khoảng 20 – 30% giá trị chứng khoán mượn) để đảm bảo rằng, trong trường hợp giá chứng khoán bất ngờ tăng thì vẫn đảm bảo bù đắp cho NĐT có chứng khoán cho mượn không bị rủi ro.

Giao dịch của thị trường chứng khoán ngày càng sụt giảm, nhiều công ty chứng khoán đành lách luật để tạo doanh thu, chống lỗ. Ảnh: Lê Phú


Với sự “cởi mở” nói trên, các NĐT theo trường phái lướt sóng có thể chơi theo T+0, T+1 hay +2 tùy chiến lược. Ông Lê Thành Đồng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán VICS đồng thuận, dịch vụ T+0 thực ra đã được nhiều CTCK trên thị trường triển khai, chỉ có điều các công ty không tuyên bố công khai như GBVS mà thôi. Không làm như kiểu GBVS thì các CTCK dành hẳn một danh mục cổ phiếu tự doanh của công ty nhưng đứng tên cá nhân để cho các NĐT của mình lướt sóng.

Có phạm luật?

Gần đây, giao dịch T+0 được nói đến và bị liệt vào hành vi bán khống. Nhưng thực tế cho thấy, trên TTCK Việt Nam hiện nay không có chuyện bán khống được cổ phiếu (tức bán mà không có cổ phiếu) vì Trung tâm lưu ký Chứng khoán đã quản lý đến từng tài khoản của NĐT, do đó, việc bán khống (không có chứng khoán) sẽ bị phát hiện.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VICS, xét bản chất giao dịch thì dịch vụ kết nối NĐT không hề phạm luật cấm bán khống. Bởi chứng khoán bán ra là chứng khoán có thật trên tài khoản. Và đây là cách lách mà luật không thể cấm. Ông Dũng cũng cho rằng, hiện nay phần lớn các CTCK đều sử dụng dịch vụ T+0 để tạo doanh thu và giữ chân NĐT, nếu không có dịch vụ T+0, các NĐT lướt sóng hàng ngày sẽ bỏ sang các CTCK có dịch vụ này.

Các môi giới trên thị trường khẳng định, thực tế cũng chứng minh, việc NĐT lướt sóng sử dụng giao dịch T+0 cũng không phải dễ ăn. Bởi trên thị trường luôn có hai trường phái: Phái đánh lên và phái đánh xuống. Tựu trung lại, rủi ro và cơ hội sinh lời ở dịch vụ này vẫn là 50/50.

Bàn về tính pháp lý của hoạt động T+0 hiện nay, các CTCK cho rằng, “soi” trong các điều khoản quy định về giao dịch trên TTCK thì rõ ràng không có quy định “cấm” các NĐT cho nhau mượn chứng khoán để giao dịch. Và việc các NĐT hợp tác chơi T+0 cũng chẳng phạm luật bởi chứng khoán bán là chứng khoán thật chứ không phải bán chứng khoán ảo. Và việc các NĐT trên TTCK Việt Nam chơi T+0 hoàn toàn khác với các NĐT trên TTCK Mỹ, ở TTCK Mỹ, các NĐT sử dụng giao dịch kỳ hạn, nghĩa là họ bán chứng khoán ra nhưng là chứng khoán ảo và hẹn một thời nhất định sau đó sẽ mua trả lại. Nếu UBCKNN có quản dịch vụ này thì chỉ có thể cấm các CTCK không được đứng ra chắp nối các NĐT mà thôi.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN