Bức xúc vì không có cổ tức

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2014 đã đi qua được 2/3 chặng đường. Thế nhưng, việc chia cổ tức của các doanh nghiệp (DN) không như kế hoạch đề ra đã làm nhiều cổ đông bức xúc và ấm ức. Câu chuyện này còn “nóng” ở cả các DN kinh doanh đặc thù là lĩnh vực ngân hàng.


Cổ tức bằng không


Tại đại hội của Ngân hàng Phương Nam diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, các cổ đông đều bức xúc vì 2 năm liên tiếp họ không nhận được cổ tức. Một cổ đông cho biết: “ĐHCĐ ngân hàng năm 2013 hứa sẽ trả cổ tức cho cổ đông 8%, mức thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát là 3% trên tổng lợi nhuận trước thuế. Nhưng thực tế, cổ tức mà chúng tôi nhận được chỉ là không…”. Bức xúc hơn, trong khi các cổ đông trông đợi mỏi mòn mà một đồng cổ tức không có, thì HĐQT và Ban kiểm soát lại được trả mức thù lao lên tới… 79% tổng lợi nhuận trước thuế thực hiện.

Cổ đông bức xúc khi họ bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư nhưng lại không nhận được cổ tức.


Một cổ đông của Maritime Bank cũng chia sẻ: “Chúng tôi là những cổ đông nhỏ và đang chịu một sức ép rất lớn, nhất là việc không có cổ tức. Trong khi đó, các ngân hàng khi lên sàn, nếu thấy không hiệu quả còn có thể thoái vốn, còn chúng tôi ở vào vị thế muốn thoát ra không được vì bán sẽ lỗ, ở lại thì cổ tức không có”… Nhiều cổ đông khác cũng cho rằng, cần xem lại hiệu quả hoạt động của HĐQT và chia thù lao HĐQT theo hiệu quả kinh doanh, bởi chưa biết năm tới hoạt động như thế nào mà HĐQT đã đòi 14 tỉ đồng tiền thù lao.


Maritime Bank dự kiến trả cổ tức 7%, nhưng đến cuối năm 2013, do tình hình kinh doanh không khả quan, lãnh đạo ngân hàng điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, trong đó có chỉ tiêu cổ tức là 0%. Sang năm 2014, ngân hàng này dự kiến cũng không chia cổ tức. Tại Ngân hàng VIB, Techcombank, “điệp khúc” giữ lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng cũng được lặp lại trong năm nay. Nhiều cổ đông của Ngân hàng Techcombank cho biết, đã nhiều năm qua, họ không nhận được một đồng cổ tức nào. Điều này khiến các cổ đông ấm ức vì ngân hàng không tính đến lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ. Ngay cả việc hứa hẹn thời điểm sẽ trả cổ tức cho cổ đông cũng không thấy ngân hàng nhắc tới.


Trong khi đó, với các ngân hàng khác như LienVietPostBank, Á Châu (ACB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Xăng dầu Petrolimex (PGBank)… mặc dù lợi nhuận thấp nhưng họ vẫn cố gắng trả cổ tức cho các cổ đông.


Cổ tức thấp vì phải tăng vốn


Giải thích về vấn đề này, ông Mạch Thiệu Đức, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng thấp là do phải trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02, vì thế không thể chia cổ tức cho các cổ đông như kế hoạch đề ra. Trước khi trích lập dự phòng, lợi nhuận của ngân hàng là hơn 500 tỉ đồng.


Tương tự, Ngân hàng MaritimeBank cho biết, năm 2013 dự định chia cổ tức 7%. Tuy nhiên, ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, dẫn đến mục tiêu ban đầu không hoàn thành nên không thể chia cổ tức. Một cổ đông lâu năm của ngân hàng cho biết, với kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng và lượng cổ đông cũng không nhiều, MaritimeBank hoàn toàn có thể chia cổ tức cho cổ đông, tối thiểu khoảng 2%.


Trong hai năm trở lại đây, tình trạng các ngân hàng không chia cổ tức, hoặc chia với tỷ lệ rất thấp, chia bằng cổ phiếu diễn ra khá phổ biến. Theo lãnh đạo các ngân hàng, kinh tế ngày càng khó khăn, lợi nhuận ngân hàng không còn tốt như trước, trong khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các ngân hàng muốn mạnh, muốn có lợi thế thì phải khẩn trương tăng vốn, đẩy mạnh đầu tư. Trong khi đó, việc tìm kiếm đầu tư cũng không dễ dàng gì nên họ chỉ trông chờ chủ yếu vào phần lợi nhuận.


Có thể nói, năm 2013 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành ngân hàng khi lợi nhuận sụt giảm và nhiều vụ bê bối bị phanh phui. Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên 2014, nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận giảm, xin cổ đông chấp nhận việc trả cổ tức thấp hoặc không trả cổ tức. Dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc các cổ đông yêu cầu chia cổ tức khi công ty làm ăn có lãi là lý do chính đáng.


Một số DN đề xuất mức chia thù lao cho ban lãnh đạo cao hơn so với mọi năm, nhưng lại không trích tiền để chia cổ tức cho cổ đông là điều vô lý. Thực tế, vẫn có những công ty giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào những hạng mục chính đáng, nhưng con số này chiếm rất ít.

 

Bài và ảnh: Hải yên

Chứng khoán thế giới suy giảm
Chứng khoán thế giới suy giảm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đồng loạt đỏ sàn, do đợt bán tháo cổ phiếu của Twitter. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN