Fed tăng lãi suất không quá ‘bất ngờ’ với chứng khoán Việt Nam

Chứng khoán Mỹ “lao dốc” sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất, chứng khoán toàn cầu phản ứng khá tiêu cực. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch chứng khoán chiều 23/3, với sự hỗ trợ của cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nên dù số mã giảm nhiều hơn số mã tăng VN-Index vẫn tăng 4,56 điểm (+0,44%), lên 1.045,1 điểm.

Chú thích ảnh
Nhóm bluechip nâng đỡ, VN-Index đảo chiều tăng.

Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của Fed diễn ra rạng sáng 23/3 (giờ Việt Nam), chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho biết: Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất và bơm thanh khoản cho thị trường.

“Tuy nhên, trên cơ sở Fed tăng lãi suất và chính sách điều hành của Fed trong thời gian tới, có thể thấy rằng kỷ nguyên ‘tiền đắt’ vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất trong năm nay. Đối với thị trường chứng khoán một vài phiên tới sẽ chịu ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất của Fed. Dự báo, ít nhất trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. Tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023, mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021”, ông Phan Dũng Khánh nhận định. 

Với nhà đầu tư chứng khoán, trong bối cảnh hiện nay, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ: Đây chưa phải thời điểm lý tưởng để xuống tiền. Đặc biệt, ông Khánh khuyến cáo nhà đầu tư phải đặc biệt cẩn trọng khi đưa ra quyết định lướt sóng, dùng đòn bẩy hoặc “tất tay”.

“Cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn vẫn có, có thể mua tích lũy dần vào lúc thị trường xấu, nhưng không nên đu theo. Theo tôi, trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. Tôi kỳ vọng nửa cuối năm mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Thị trường chứng khoán ngày 23/3 ít biến động sau khi thông tin Fed tăng lãi suất 0,25% được đưa ra. Trong phiên họp chính sách vừa qua, cùng với quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%, Chủ tịch Fed cũng cho biết, các ngân hàng ở Mỹ sẽ chứng kiến chính sách lãi suất ở mức 5,1% vào cuối năm nay. Với sự trợ giúp từ nhóm cổ phiếu trụ, VN Index kéo dài chuỗi tăng điểm lên con số 3 sau phiên giao dịch ngày 23/3.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng: Fed công bố lãi suất điều hành - sự kiện này có thể tác động đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, trong kịch bản tích cực, chỉ số vượt thành công vùng giá 1.040 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng vào các nhóm đang thu hút dòng tiền như nhóm chứng khoán, nhóm chủ đề đầu tư công và nhóm VN30. 

Chiều 23/3, nhóm cổ phiếu chứng khoán phục hồi mạnh mẽ với sắc xanh tràn ngập; trong đó nhiều mã tăng rất mạnh như: SSI +2,5%; VCI +6,6% lên 31.400 đồng/cổ phiếu, khớp 11,2 triệu đơn vị; CTS +4,9% lên 15.000 đồng/cổ phiếu; FTS +4,8% lên 22.000 đồng/cổ phiếu; HCM +2,7% lên 24.500 đồng/cổ phiếu, BSI +2,5% lên 18.400 đồng/cổ phiếu; VND +2,4% lên 15.150 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, các mã ORS, AGR, VIX, TVB, APG cũng đóng cửa tăng điểm nhẹ.

Sắc xanh cũng bao trùm nhóm bất động sản khi DIG tăng 2,04%, DXG tăng 2,17%, CTD tăng 3,63%. Ở chiều ngược lại, nổi bật nhất là VRE với mức giảm 1,35%.

Các cổ phiếu tăng khá còn có ở một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu như: DIG tăng 2,17%; DXG, UDC, KSB, ITD, TTA, CTD, FCM, với mức tăng từ 2% đến gần 5%. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh chiếm đa số. Ngoài các mã lớn như: STB, TCB, TPB, ACB, BID, CTG, HDB, MBB, VCB, VPB, VIB trong nhóm VN30 đã kể trên, các mã vừa và nhỏ như: EIB và SSB cùng dừng ở tham chiếu, LPB tăng 1%, MSB tăng 0,4%, OCB tăng 1,3%, SHB tăng 2,9%.

Trên sàn giao dịch Hose ngày 23/3, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 45,12 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.240,05 tỷ đồng, giảm 20,4% về khối lượng và 13,04% về giá trị so với phiên hôm qua (ngày 22/3). Ở chiều ngược lại, khối bán ra 28,25 triệu đơn vị, giá trị 900,87 tỷ đồng, giảm 41,96% về khối lượng và 27,95% về giá trị so với phiên trước.

Như vậy, phiên ngày 23/3, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 16,86 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 339,18 tỷ đồng, tăng mạnh 110,8% về lượng và 93,14% về giá trị so với phiên trước.

Tại sàn Hose, 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất là: SHB (hơn 36,74 triệu đơn vị), VPB (hơn 22,82 triệu đơn vị), VND (hơn 22,03 triệu đơn vị), SSI (hơn 17,49 triệu đơn vị), STB (hơn 12,24 triệu đơn vị).

Năm cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là: PDN (6,98%), SFC (6,98%), HU3 (6,94%), BTT (6,85%), HVH (6,85%).

Năm cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là: HAS (-6,91%), SC5 (-6,90%), ST8 (-6,90%), RDP (-6,85%), HU1 (-6,84%).
Minh Phương/Báo Tin tức
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau quyết định của Fed
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau quyết định của Fed

Trong phiên giao dịch chiều 23/3, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN