Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn

Từ hôm nay (ngày 24/4) đến hết ngày 30/6/2024, những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Chú thích ảnh
Công ty Navico hiện có 3 nhà máy chế biến cá tra và cá ba sa xuất khẩu, tạo việc làm cho 6.300 lao động với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 23/4/2023 vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo NHNN, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của ngành ngân hàng sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Giữa năm ngoái, chính sách cơ cấu nợ cũng đã từng được ban hành khi các doanh nghiệp gặp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo thống kê, trong đợt cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần trước, đã có gần 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỷ đồng. Vì thế, các doanh nghiệp cũng mong muốn Thông tư này sớm được ban hành, để giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

                       
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với NHNN về sửa quy định trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 về tổ chức tín dụng mua, bán TPDN theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay TPDN.

Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua TPDN chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Còn dự kiến sửa mới đây của NHNN là cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà ngân hàng bán ra trước ngày 31/12/2023.

Thủ tướng cũng lưu ý, các quy định sửa đổi cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đầu tư, cho vay với trái phiếu, nhằm tăng nguồn cung, thanh khoản và phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.
PV/Báo Tin tức
Ngân hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngân hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Các tổ chức tín dụng được chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng. Yêu cầu là cần phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN