Chứng khoán bị bán tháo, hàng loạt mã giảm kịch sàn

Ngay từ phiên đầu tuần sáng 9/5, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh với áp lực bán tháo do nhiều nhà đầu tư lo lắng sẽ bị bán giải chấp từ các công ty chứng khoán, khiến VN-Index bị xuyên thủng mốc 1.300 điểm. 

Chú thích ảnh
Diễn biến thị trường đang thiếu ổn định nên cần thời gian để cân bằng cung cầu ở vùng giá đủ hấp dẫn. 

Trong phiên sáng 9/5, trong số hàng loạt mã chứng khoán bị bán thảo, giảm kịch sàn có nhiều mã thuộc nhóm ngành xây dựng, đầu tư công, bất động sản. Giao dịch chứng khoán trong trạng thái ảm đạm khi sắc đỏ phủ trên diện rộng bảng điện tử.

Nhóm VN30 không có mã nào giữ được mốc tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều mất điểm. Nhóm ngân hàng, ngoại trừ NVB trên sàn HNX tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều giảm khá sâu như: TCB giảm 5,3%; BID giảm 4,46%; CTG giảm 5%; VPB giảm 5,42%; VIB giảm 4,31%; OCB giảm 5,86%...

Các mã FTS, VCI, AGR, APG, BSI, CTS, VIX, WSS đều nằm sàn; một số mã giảm sâu, ngoại trừ duy nhất PHS trên UPCoM tăng 4,2% với 1 lệnh mua duy nhất chỉ khớp 100 đơn vị. Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản và xây dựng HDC, LHG, FCN, DPG, HBC, HDG, VGC, SCR, DXG, DXS cũng la liệt giảm… Trong khi các mã lớn trong ngành như VHM, VIC, NVL đều giảm hơn 2%.

Chốt phiên sáng 9/5, sàn HoSE có 28 mã tăng (1 mã tăng trần) và tới 424 mã giảm (79 mã giảm sàn), VN-Index giảm 47,23 điểm (-3,55%), xuống 1.282,03 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch tại HoSE đạt gần 378 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.291 tỷ đồng, tăng gần 35% về khối lượng và tăng 22,62% về giá trị so với phiên sáng 6/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 390 tỷ đồng.

Tạm thời kết thúc phiên sáng 9/5, HNX-Index giảm 17,53 điểm (-5,1%), xuống 325,93 điểm với 17 mã tăng (5 mã tăng trần) và 200 mã giảm (21 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,72 triệu đơn vị, giá trị 911,37 tỷ đồng, tăng 42,6% về lượng và 28,63% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,75 triệu đơn vị, giá trị đạt 105,5 tỷ đồng.

Dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khá sát khi cho rằng, phiên đầu tuần có thể đỏ lửa và rơi về vùng tâm lý 1.300 điểm (tức mất 30 điểm so với hiện tại) hoặc tệ hơn là đáy cũ 1.261 điểm. Còn theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chỉ số giảm sâu cộng thêm thanh khoản tăng trong các nhịp giảm cho thấy khả năng nhịp điều chỉnh này còn kéo dài. Kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể xuống vùng hỗ trợ 1.320 điểm. Đây được xem là chốt chặn cần được bảo vệ, nếu không, khả năng phá đáy ngắn hạn sẽ xảy ra.

“Dự báo VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh trong những phiên giao dịch tiếp theo, chờ đợi cung cầu sẽ cân bằng hơn ở vùng giá đủ hấp dẫn”, Chứng khoán Đông Á nhận định. VDSC khuyến cáo, diễn biến thị trường đang không ổn định và tiềm ẩn rủi ro nên nhà đầu tư cần chậm lại, vẫn nên hạn chế mua mới đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt, đồng thời cân nhắc giữ danh mục ở mức an toàn. Do vậy một số chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng khi biến động của thị trường đang tăng lên, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn.

Tuần qua chỉ có 3 phiên giao dịch nhưng có đến 2 phiên giảm mạnh nên VN-Index mất gần 38 điểm so với mức đóng cửa cuối tháng 4/2022. Chỉ số đại diện cho sàn Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang ở vùng 1.329 điểm, thấp nhất trong gần 2 tuần trở lại đây. Không những giảm sâu về mặt điểm số mà thanh khoản cũng lao dốc đáng kể, còn bình quân 15.600 tỷ đồng mỗi phiên.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
'Lạc quan' với thị trường chứng khoán tháng 5?
'Lạc quan' với thị trường chứng khoán tháng 5?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn trước sóng gió đến từ những thông tin bất lợi về hoạt động thao túng thị trường cổ phiếu, bất động sản... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ dần lấy lại cân bằng khi nhìn nhận triển vọng tốt hơn về tính minh bạch và ít rủi ro hơn trong trung và dài hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN