Cầu nối giúp người lầm lỡ làm giàu chính đáng

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn và có ý nghĩa đối với bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngay sau khi chính sách này có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương, nắm bắt nhu cầu, giải ngân khoản vay đến đúng đối tượng.

Chú thích ảnh
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tháng 10/2021, sau khi chấp hành xong bản án 19 tháng tù trở về địa phương, anh Đoàn Văn Thanh, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhớ lại thời gian cải tạo, anh Thanh chia sẻ, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực giúp anh tự phát triển kinh tế của bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Theo anh Đoàn Văn Thanh, vốn có sẵn trang trại từ trước, sau khi cải tạo xong trở về nhà, anh tập trung đầu tư nuôi gà, cá thương phẩm và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất kinh doanh, anh gặp khó khăn do thiếu vốn. Bởi vậy, cùng với số tiền tích lũy của gia đình, anh vay mượn thêm để nhập giống gà, mua cám…

Đặc biệt, với chủ trương nhân văn của Nhà nước, cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, anh được vay 100 triệu đồng. Có tiền trong tay, anh mạnh dạn mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống chăn nuôi.

Đến nay, với quy mô 3 dãy chuồng, 2.900 con gà thương phẩm, hơn 2.000m2 ao thả cá và vườn bưởi, mỗi năm trang trại của anh thu về lợi nhuận 150 triệu đồng. Anh Thanh cũng mong được các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện vay nhiều hơn để anh có điều kiện làm chuồng hiện đại, khép kín để tránh rủi ro khi chăn nuôi.

Đối với anh Hoàng Văn Long, thôn Hương Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, vốn sinh ra và lớn lên ở địa phương thuần nông, nhận thấy ngày mùa, bà con thường đốt rơm rạ ngoài đồng, đường gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, anh Long quyết định xây dựng xưởng, mua máy móc, thu mua rơm rạ của bà con cuộn lại để bán lại cho người dân để trồng hoa màu và chăn nuôi. Nghĩ là làm, năm 2015, anh đã mua 2 máy cuộn rơm, xây dựng nhà xưởng, thu mua nông sản sơ chế để xuất khẩu. 

Trong lúc cơ sở của anh đang làm ăn phát triển, năm 2019, do ham vui nên anh Long đã bị kết án 21 tháng tù về tội đanh bạc và phải thực hiện cải tạo 17 tháng. Vì vậy, việc làm ăn, anh để mọi người trong gia đình anh gánh vác. Anh Long cho biết, trong thời gian cải tạo, anh luôn chấp hành nghiêm các quy định của trại giam để sớm được tái hòa nhập với cộng đồng làm lại cuộc đời. Sau thời gian dài đi cải tạo, khi anh trở về, mọi việc đều vô cùng khó khăn khi các mối làm ăn cũng dần ít đi, trong khi không có vốn làm ăn.

Lúc này, anh được UBND xã thông báo về chủ trương vay vốn cho người lầm lỡ về tái hòa nhập cộng đồng, đầu tháng 10/2023, anh Hoàng Văn Long, xã Minh Tân, huyện Lương Tài làm thủ tục và được giải ngân vốn vay nhanh chóng.

Anh Long chia sẻ, khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền về chủ trương này anh thấy rất vui, điều đó thể hiện tính nhân văn của Nhà nước đã không kỳ thị, luôn dang tay hỗ trợ những người lầm lỡ như anh có cơ hội tự tin hòa nhập với cộng đồng, phát triển kinh tế của bản thân. 

Ngay sau khi được giải ngân, anh Long đã tập trung mua rơm để cuộn và có tiền trả công cho người lao động. Với phương châm làm việc hết mình, luôn đặt chữ “tín” hàng đầu nên cơ sở của anh nhanh chóng vực dậy. Cùng với sự nhanh nhẹn, nhạy bén của tuổi trẻ, anh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội. Đến nay, sản phẩm của anh đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, hàng năm cho lợi nhuận trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cho biết, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nguồn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù giúp đỡ họ có điều kiện về địa phương ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Chính phủ quy định các nguồn vốn để bố trí cho bao gồm nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý theo quy định và các nguồn vốn hợp pháp khác thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Tại Bắc Ninh, ngay khi quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh dự thảo tham mưu để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội  các huyện, thị xã, thành phố chủ động báo cáo cấp uỷ, tham mưu cho UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng chính sách cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách vay vốn đối với các đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài ra, ngân hàng chỉ đạo cán bộ toàn chi nhánh tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến rộng rãi để người dân đều nằm bắt được chính sách vay vốn. Căn cứ kết quả rà soát các đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố đã giải ngân được 1,3 tỷ đồng cho 15 trường hợp trong diện vay vốn, đạt 100% vốn Trung ương giao.

Hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh tiến hành rà soát đối tượng và xây dựng nhu cầu vốn tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm phát triển sản xuất của những người đã chấp hành xong án phạt, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Thái Hùng (TTXVN)
Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù – Chính sách nhân văn
Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù – Chính sách nhân văn

Tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN