Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải ngân nhanh vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

“Mức giải ngân của 6 tỉnh đang thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong khi đây là những tỉnh còn nghèo, rất trân trọng những đồng vốn, nếu chúng ta đầu tư 1 đồng vốn thì xã hội sẽ thêm 10 đồng để kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Cần phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi nên phải cố gắng giải ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Chú thích ảnh
Cuộc họp với 6 dịa phương dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Đức Minh.

Ngày 10/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 6 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau nhằm kiểm tra, tháo gỡ khó khan trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. 

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho 6 địa phương là 24.048,659 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 14.948,81 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) trong nước là 6.058,498 tỷ đồng. Nguồn vốn nước ngoài ODA là 3.41,351 tỷ đồng.

Số vốn các địa phương đã phân bổ chi tiết là 24.642,949 tỷ đồng, bằng 102,5 % so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về cơ bản, các địa phương cơ bản đã phân bổ chi tiết hết vốn đầu tư kế hoạch năm 2021 ngay từ đầu năm 2021; 5/6 địa phương giao bằng và vượt so với kế hoạch năm 2021.

Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù từ đầu năm, các địa phương đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc giải ngân kế hoạch đầu tư công; đồng thời, phân công cán bộ lãnh đạo trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư, theo dõi chỉ đạo từng dự án trọng điểm. Các địa phương cũng đã chủ động rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch 2021 đối với nguồn vốn NSTW trong nước không có khả năng giải ngân trong năm 2021 (An Giang giảm 80 tỷ đồng; Cà Mau giảm 33,62 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn vướng mắc nên việc giải ngân của 6 địa phương này còn thấp so với tiến độ giải ngân bình quân chung cả nước. Số giải ngân vốn tính đến ngày 30/11 của 6 địa phương là 11.749,185 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021 (tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59,1%; tỉnh An Giang thấp nhất trong 6 tỉnh đạt 33,8%). Sáu địa phương đều thấp hơn bình quân cả nước là 65,7%.

Theo ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có rất nhiều vướng mắc của các dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Tiến độ giải ngân nguồn vốn này rất thấp như: Cà Mau mới đạt 20%, An Giang 13%, Quảng Trị 13%. “Để thực hiện mục tiêu giải ngân 75% là thực sự khó khăn. Bộ Tài chính sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để giải ngân đạt kết quả cao nhất”, ông Hoàng Hải cho biết.

Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 10/12, lãnh đạo 6 tỉnh đều đưa ra quyết tâm phấn đấu giải ngân đến 31/1/2022 là 18.934,4 tỷ đồng, bình quân đạt 78,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Đồng Tháp dự kiến cao nhất là 87,7%; tỉnh An Giang dự kiến thấp nhất trong 6 tỉnh là 70,1%).

Theo Luật Đầu tư công, Chính phủ không giao chi tiết các dự án, địa phương phải tự cân đối và việc giải ngân tốt hay không, dự án tiêu được tiền hay không là do công tác lập kế hoạch. “Qua kiến nghị cho thấy, đa số địa phương kiến nghị giảm kế hoạch vốn ODA. Các dự án này đều do các địa phương đề xuất. Chúng ta đã quen thực hiện các dự án đầu tư công trong nước, điều chỉnh bổ sung thì phải chủ động thực hiện trước. Đến thời điểm này phải theo niên độ, nếu không tiêu được phải hủy dự toán theo luật”, đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đối với 6 địa phương trên đều là các tỉnh nghèo, chưa cân đối được thu chi NSNN. Tuy nhiên, các tỉnh đã quyết tâm cao trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, kết quả giải ngân còn rất thấp. Bộ trưởng nhắc nhở các địa phương thực hiện theo đúng Nghị quyết 63/2021/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công. Nếu theo Nghị quyết, hết năm giải ngân phải đạt 95 - 100% kế hoạch vốn, trong khi mục tiêu phấn đấu của các tỉnh đều thấp hơn so với yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân đúng quy định. Năm 2020, dịch COVID-19 cũng diễn biến như vậy nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn đạt 98% kế hoạch. Năm nay, dịch căng hơn, kéo dài hơn nhưng cần phấn đấu đạt mục tiêu mà Nghị quyết 63/2021/NQ-CP đã ban hành. Các lãnh đạo của các tỉnh cần nỗ lực từ cấp tỉnh đến huyện để tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh xây dựng công trình đúng quy định. “Nhà nước cần ngân sách, còn người dân thì cần việc làm. Về điều chỉnh danh mục, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành các quy định nhằm tháo gỡ nút thắt để thực hiện các dự án"  Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Đối với các kiến nghị cho phép kéo dài nguồn vốn sang năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12 của năm sau. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta có nên kéo dài hay không? bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn, người dân không có việc làm. “Chúng ta còn đang bàn về gói kích cầu kinh tế thì việc kéo dài thời gian thực hiện đầu tư công liệu có còn ý nghĩa gì không?”,  Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu vấn đề. Do đó theo Bộ trưởng, cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Nỗ lực cao nhất để giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương
Nỗ lực cao nhất để giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương

Chiều 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã làm việc với lãnh đạo 3 địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN