05:09 30/05/2011

Tái chế rác thải kim loại giúp giảm nhu cầu về nguyên liệu

Theo báo cáo mới được công bố của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện có quá nhiều rác thải kim loại bị bỏ đi và chỉ có chưa tới 1/3 trong tổng số khoảng 60 loại kim loại được tái chế. Điều này cho thấy các nước trên thế giới đang lãng phí cơ hội tiết kiệm nguyên liệu.

Theo báo cáo mới được công bố của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện có quá nhiều rác thải kim loại bị bỏ đi và chỉ có chưa tới 1/3 trong tổng số khoảng 60 loại kim loại được tái chế. Điều này cho thấy các nước trên thế giới đang lãng phí cơ hội tiết kiệm nguyên liệu. Ông Achim Steiner, Tổng thư ký, kiêm Giám đốc điều hành UNEP cho biết, kim loại có thể được tái sử dụng nhiều lần, giúp giảm thiểu nhu cầu khai thác và chế biến các nguyên vật liệu, qua đó tiết kiệm các nguồn năng lượng và nước, đồng thời hạn chế sự suy thoái của môi trường.

Theo báo cáo của UNEP, chì là kim loại được tái chế nhiều nhất, với gần 80% sản phẩm có chứa chì, chủ yếu là pin. Sắt và các thành phần chính khác của thép và thép không gỉ, cũng như hầu hết các loại kim loại quý như bạch kim, vàng, bạc cũng được tái chế với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tính ứng dụng của từng kim loại. Tuy nhiên, báo cáo cho hay các kim loại như Indium (được sử dụng trong chất bán dẫn và các đèn LED), telua và selen (được sử dụng trong các tấm năng lượng Mặt Trời), neodymi và dysprosium (được sử dụng trong các tuốc bin gió) hầu như không được tái chế.

Thomas Graedel, Giáo sư khoa sinh thái công nghiệp thuộc Đại học Yale (Mỹ) và là một những tác giả của báo cáo trên, cảnh báo rằng việc không tái sử dụng các kim loại này sẽ làm gia tăng nguy cơ thiếu nguyên vật liệu trong tương lai. Báo cáo cũng đề xuất những cải tiến trong việc quản lý chất thải nhằm đảm bảo các sản phẩm có chứa kim loại được xử lý hiệu quả hơn tại các nước mới nổi và đang phát triển, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất chế tạo các sản phẩm có khả năng phân tách nguyên vật liệu một cách dễ dàng hơn trong quá trình tái chế.

TKT