08:11 31/08/2012

Tái cấu trúc TTCK - Rất cần sự minh bạch

Theo TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, trong bối cảnh TTCK có những “nốt trầm”, thì điều lo lắng nhất vẫn chính là tính thanh khoản trên thị trường.

Theo TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, trong bối cảnh TTCK có những “nốt trầm”, thì điều lo lắng nhất vẫn chính là tính thanh khoản trên thị trường. Đây cũng chính là thước đo “sức khỏe” không chỉ của TTCK nói riêng, mà của nền kinh tế nói chung. Theo đó, thanh khoản tốt sẽ làm cho giá cả phản ánh thực chất cung cầu mà không bị bóp méo bởi các giao dịch thao túng, làm giá trên thị trường.


 

Các nhà đầu tư nhập lệnh trực tuyến. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Cũng theo TS.Trần Đắc Sinh, sau 12 năm phát triển, quy mô thị trường đã được mở rộng với hơn 100 công ty chứng khoán, 2 Sở giao dịch chứng khoán, hơn 700 công ty niêm yết và 131 công ty đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, do quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn chậm ban hành, chưa theo kịp diễn biến thị trường; các tổ chức trung gian hoạt động chưa chuyên nghiệp, chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro còn kém... Vì thế, sắp tới đây UBCKNN sẽ tái cấu trúc thị trường chứng khoán, cụ thể là hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển sang tập trung vào chất lượng, theo đó số lượng các công ty chứng khoán sẽ giảm từ hơn 100 xuống còn vài chục công ty. Điều này sẽ giúp cho thị trường cải thiện và nâng cao thanh khoản, giúp TTCK phát triển bền vững.


Đồng tình quan điểm trên, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, cho rằng tái cấu trúc thị trường chứng khoán là điều mà nhà đầu tư rất mong đợi. Như vậy sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nên nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt các chính sách tái cấu trúc thị trường chứng khoán nhằm tạo lòng tin với nhà đầu tư. Song song đó, phải tăng cường quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán. Trong chương trình triển khai các giải pháp với thị trường chứng khoán, các quy định về việc tách bạch tài khoản của nhà đầu tư, ra các sản phẩm mới, quy định về quỹ mở... sẽ là những thông tin tốt cho thị trường.


Ngoài ra, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết việc tuân thủ các điều kiện niêm yết và công bố thông tin của thị trường chứng khoán cũng giúp các công ty trở nên minh bạch hơn, tổ chức quản lý tốt hơn. Thị trường chứng khoán còn giúp các doanh nghiệp niêm yết tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn. “Trong thời gian tới, tôi hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều sản phẩm tài chính mới, ví dụ như các công cụ phái sinh” - ông Andy Ho nói.


Tuy nhiên, theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, muốn thực sự hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thì điều đầu tiên là phải “gỡ” cho các doanh nghiệp. Ông Hòa cho rằng, “nút thắt” ở đây là nằm ở khâu vốn. Doanh nghiệp phải đi vay với chi phí khá cao làm cho việc sản xuất trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, cuộc đua lãi suất để kiềm chế lạm phát, gỡ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng từ 2008 trở lại đây đã đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao. Lãi suất quá cao trong vòng 3 năm vừa qua nếu cộng dồn có thể lên đến 60% đã khiến các doanh nghiệp chỉ duy trì việc sản xuất để thu hồi phần vốn đã đầu tư chứ không thể mở rộng, phát triển kinh doanh mới. Bức tranh kinh tế của các doanh nghiệp sẽ là mấu chốt để có thể làm cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.

 

Hải Yên