09:07 13/09/2014

Tái cấu trúc thị trường xuất khẩu

TS Trần Du Lịch đã chia sẻ với phóng viên Tin Tức về triển vọng và giải pháp để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới.

TS Trần Du Lịch (ảnh) đã chia sẻ với phóng viên Tin Tức về triển vọng và giải pháp để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới.

 

Thưa ông, thông qua các hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký kết trong thời gian tới, cơ hội cho DN XK là gì?


Chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhất quán từ 1996 đến nay và trong chiến lược kinh tế của Chính phủ Việt Nam, thông qua việc tham gia các định chế thương mại khu vực và thế giới, các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt quan trọng là cộng đồng kinh tế Asean theo Hiến chương Asean; EU - VN; TPP... với sự dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở ra cơ hội to lớn về thị trường XK của DN Việt Nam.


Thêm vào đó, quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tiếp cận với thông lệ và tập quán thương mại thế giới, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Chính sách tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đang thực thi, trong đó chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm XK.

 

Trước khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh thị trường XK hiện nay, theo ông Chính phủ cần phải làm gì để giúp DN XK vượt qua những rào cản trên?


Theo quan điểm của tôi, cần phải tái cấu trúc thị trường XK.


Thứ nhất, mục tiêu hướng về XK nhưng không được tách biệt với thị trường nội địa. Nền ngoại thương của một quốc gia, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan 2 chiều, nên không có ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Một sản phẩm muốn cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, trước hết nó có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Một DN không thể có 2 loại sản phẩm để tiêu thụ riêng ở thị trường.


Thứ hai, cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng mở rộng thị phần thái quá của một sản phẩm, của một thị trường. Điều đó dẫn đến khả năng các thị trường nhập khẩu sẽ tăng sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá... đối với hàng xk của Việt Nam.
Thứ 3, sản phẩm XK phải tạo sự khác biệt để nâng cao sức cạnh tranh.

 

Về mặt sản phẩm XK, bên cạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, tôi cho rằng từ nay đến năm 2030, xk vẫn phải dựa trên mấy nhóm ngành mang tính truyền thống và có thế mạnh như: nông sản chế biến, trong đó có gạo, cà phê, cao su, rau quả và các loại hạt; thủy hải sản, trong đó tiềm năng về cá ngừ đại dương có giá trị XK cao; dệt may, da giày với những sản phẩm theo phân khúc thị trường của những người có thu nhập trung bình; chế biến gỗ, nhất là gỗ ngoài trời; hàng thủ công mỹ nghệ...


Thứ 4, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, DN XK vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất hiện nay: EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường các thành viên còn lại trong khối TPP, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giúp DN tiếp cận thị trường.


Thứ 5, một quốc gia có tiềm năng về du lịch lớn như Việt Nam cần xem lại thị trường XK tại chỗ là hoạt động XK có hiệu quả nhất. Bởi khách du lịch luôn luôn có 4 nhu cầu: ở đâu, ăn gì, hưởng thụ sản phẩm văn hóa, giải trí và mua những gì mang về. Theo đó, DN cần chú ý 4 điểm này để đẩy mạnh XK tại chỗ.

 

Hải Yên