04:08 20/04/2017

Tái canh cà phê ở Tây Nguyên

Tái canh cà phê (trồng tái canh và ghép cải tạo) là quá trình tất yếu để trẻ hóa vườn cây già cỗi, nâng cao nâng suất, chất lượng cà phê.

Hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, chương trình tái canh cà phê đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn vốn lớn, góp phần đưa giá trị nông sản của vùng phát triển.

Đồng hành cùng người trồng cà phê

Lâm Đồng là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ hai sau tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là địa phương đi đầu trong việc tái canh cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các nông hộ và góp phần phát triển bền vững ngành cà phê trên địa bàn.

Công nhân Công ty Cà phê Thắng Lợi ở Đắk Lắk chăm sóc vườn cà phê tái canh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Việt Nam từ năm 2013 về việc thỏa thuận tài trợ vốn đầu tư tái canh cà phê già cỗi. Theo đó, Agribank tỉnh Lâm Đồng cam kết hỗ trợ gói tín dụng trên 3.000 tỷ đồng để thực hiện trồng tái canh hoặc ghép cải tạo cà phê trên địa bàn, với mức lãi suất ưu đãi là 10,5%/năm, thấp hơn 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường các đối tượng khác cùng thời điểm. Từ đó đến nay, Agribank Lâm Đồng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tái canh cà phê theo quy định của ngân hàng cấp trên.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Agribank Lâm Đồng đã áp dụng lãi suất cho vay tái canh cà phê là 6,5% năm đối với dư nợ trong thời gian ân hạn và 9%/năm đối với dư nợ ngoài thời gian ân hạn. Đồng thời, thống nhất định mức cho vay là 110 triệu đồng để thực hiện 1 ha ghép cải tạo và 160 triệu đồng/ha cho thực hiện trồng tái canh (70% tổng chi phí thực hiện/ha).


Tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt kế hoạch tái canh, thống nhất đối tượng, định mức hỗ trợ giống để tạo điều kiện cho các nông hộ trồng cà phê còn khó khăn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đầu tư trồng tái canh hoặc ghép cải tạo lại vườn cây.


Theo đó, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 70% kinh phí mua giống cà phê cho các nông hộ sống ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ 50% kinh phí mua cây giống cho các nông hộ nghèo, các nông hộ cận nghèo sản xuất cà phê có nhu cầu tái canh hoặc ghép cải tạo thì được hỗ trợ 40% kinh phí mua giống cà phê...


Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 576.800 ha cà phê. Theo kế hoạch từ năm 2014 đến năm 2020, các tỉnh này thực hiện tái canh khoảng 120.000 ha; trong đó, trồng tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha.

Lâm Đồng cũng có những điều chỉnh đối tượng và định mức hỗ trợ để phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Cụ thể, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 80% kinh phí mua giống để thực hiện trồng tái canh, cải tạo cà phê. Những nông hộ sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 60% kinh phí mua giống. Tỉnh cũng hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kiểm tra, công nhận vườn chồi, hội thảo, tổng kết, khen thưởng... trong việc mở rộng trồng tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê...


Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng kinh phí thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn trên 7.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp về cây, chồi giống cho các nông hộ... trên 14 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Agribank Lâm Đồng trên 924 tỷ đồng cho 16.138 nông hộ vay để trồng tái canh, ghép cải tạo 22.639,5 ha cà phê. Nguồn vốn từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và nguồn vốn của các nông hộ tự thực hiện 6.201 tỷ đồng...


Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh trọng điểm cây cà phê của Tây Nguyên hiện đã trồng tái canh được 77.418 ha cà phê; trong đó, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu với 43.625 ha, tiếp đến là Đắk Lắk 19.125 ha...

 

Phần lớn các nông hộ thực hiện trồng tái canh cà phê đều thực hiện đúng quy trình từ khâu chuẩn bị đất đến chọn giống, kỹ thuật trồng... Nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đưa nhiều giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9... vào trồng đại trà. Đồng thời, tiến hành trồng cây che bóng, chắn gió ngay từ đầu để cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tháo gỡ khó khăn


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, từ năm 2012 tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chương trình tái canh cà phê nhằm thay thế những vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng những giống mới có năng suất chất lượng cao hơn. Đến cuối năm 2016, diện tích cà phê đã được trồng tái canh là gần 8.800 ha; trong đó, diện tích tái canh do người dân tự triển khai là hơn 4.450 ha, diện tích được nhà nước hỗ trợ giống là khoảng hơn 4.300 ha.

Đất được xới tơi xốp, thu dọn hết tàn dư thực vật trước khi tái canh cà phê ở Đắk Lắk.

Trong cùng giai đoạn, các nông hộ cũng thực hiện ghép cải tạo được 1.076 ha cà phê với nhiều hình thức khác nhau: Ghép cải tạo đồng bộ trên toàn vườn hoặc ghép cải tạo những cây xấu trong vườn. Nguồn chồi phục vụ ghép cải tạo được người dân chọn trực tiếp từ những cá thể ưu tú trong vườn hoặc mua chồi ghép giống TR4, TR9, TR11... Để hỗ trợ các nông hộ thực hiện tái canh, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đã hỗ trợ miễn phí nguồn hạt giống và Công ty TNHH Nestle Việt Nam hỗ trợ 50% chi phí giống (giống thực sinh và chồi ghép).

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông) đánh giá, sau gần 5 năm thực hiện chương trình tái canh, nhiều vườn cà phê đã bắt đầu cho thu hoạch và năng suất tăng lên rõ rệt. Có vườn cây mới cho thu bói nhưng năng suất đã đạt khoảng 3 - 3,5 tấn/ha. Tuy nhiên, xét về tổng thể chương trình tái canh cây cà phê, ghép cải tạo giai đoạn 2012 - 2016 triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nguyên nhân là do nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân chưa đầy đủ về lợi ích của chương trình tái canh nên chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa triển khai đồng bộ.


Bên cạnh đó, việc cung cấp, quản lý nguồn giống, áp dụng kỹ thuật trong quá trình tái canh còn nhiều bất cập. Hiện nay nhu cầu về cây giống cà phê trồng tái canh rất lớn, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có một vườn ươm giống nào được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn. Phần lớn diện tích trồng tái canh, ghép cải tạo là do các nông hộ tự triển khai nên đôi khi chất lượng nguồn giống không bảo đảm, áp dụng quy trình kỹ thuật còn hạn chế. Vì vậy, có nhiều vườn tái canh nhưng cây sinh trưởng chậm, sâu bệnh, năng suất thấp.


Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn cũng là một rào cản lớn khiến chương trình tái canh chưa đạt hiệu quả. Tính đến đầu tháng 2/2017, tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê của Agribank Việt Nam chi nhánh Đắk Nông mới đạt khoảng 38 tỷ đồng, với 300 khách hàng. Đây là số giải ngân rất thấp so với nhu cầu vốn tái canh. Rào cản về vốn vay xuất phát cả từ phía ngân hàng và cả từ phía các nông hộ. Nhiều diện tích cà phê cần được tái canh đều nằm ở xa, ngoài vùng quy hoạch, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn cho việc thẩm định, giải ngân nguồn vốn.


Hơn nữa, người dân cũng chưa mặn mà với nguồn vốn tái canh từ ngân hàng, bởi lãi suất cho vay tái canh chưa có nhiều ưu đãi, trong khi đó thủ tục vay vốn lại rất rườn rà. Nhiều hộ dân muốn nhận tiền vay tái canh một lần (mức 150.000.000 đồng/ha trồng tái canh; mức 80.000.000 đồng/ha ghép cải tạo) trong khi đó theo quy định bắt buộc phải giải ngân theo lộ trình hàng năm... Đắk Nông phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà phê cần tái canh, ghép cải tạo là hơn 30.000 ha (tái canh hơn 20.500 ha; ghép cải tạo hơn 9.500 ha). Như vậy đến nay, tỉnh Đắk Nông mới chỉ thực hiện được 30% trong lộ trình trẻ hóa vườn cà phê.


Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, để đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, trong những năm tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Đắk Nông đang tập trung gỡ các “nút thắt” về quy hoạch, chất lượng cây giống, nguồn vốn.


Theo đó, ngành nông nghiệp đang cùng các ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cà phê bền vững; tập trung nghiên cứu để sớm sửa đổi quy trình tái canh cà phê cho phù hợp với quy mô nông hộ có diện tích và điều kiện thực tế của từng địa phương; ban hành quy trình tái canh cà phê theo phương pháp ghép cải tạo. Đồng thời đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ cho đầu tư tái canh cà phê. Sở cũng sẽ tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng cà phê tái canh...


Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo ngành chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội... tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương này cùng cơ chế hỗ trợ, quy trình kỹ thuật tái canh, cải tạo giống để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình. Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản trên đất là vườn cà phê để các nông hộ có đủ điều kiện thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng - Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu.


Cùng đó, Agribank Việt Nam cần cải tiến quy trình kỹ thuật linh hoạt, thực tế hơn khi cho các nông hộ vay đầu tư trồng tái canh cà phê. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn. Đồng thời, nâng mức đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn đáp ứng nhu cầu của các nông hộ vay tái canh cây cà phê từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha...


Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Năng suất cà phê sau tái canh tăng bình quân 3,56%/năm

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã làm trẻ hóa lại trên 43.625 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém trước đây, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26 tạ cà phê nhân/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ cà phê nhân/ha năm 2016, đạt sản lượng 365.923 tấn năm 2012 tăng lên 429.353 tấn cà phê nhân năm 2016, với mức tăng bình quân sản lượng 3,56%/năm. Nhiều mô hình chuyển đổi giống cà phê đạt hiệu quả cao, năng suất vượt trội đạt từ 7 - 8 tấn cà phê nhân/ha. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha được “trẻ hóa” ở vùng chuyên canh cho năng suất từ 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên. Các nông hộ tham gia kế hoạch tái canh cà phê được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, lợi ích của công tác tái canh cà phê.

Ông Dương Kim Nhung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk: 95% sản phẩm hướng ra xuất khẩu

Ngành cà phê là một trong những ngành đào thải, song chúng tôi vẫn trụ vững và trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến cà phê mạnh trên cả nước. Doanh thu hàng năm hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới với những địa chỉ khó tính của EU, Singgapore, Hàn Quốc, Nga và đặc biệt là Nhật Bản. Có được như vậy, một phần có sự giúp đỡ của Agribank trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn. Chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp vay trong việc vay vốn xây dựng nhà máy để sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp - Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Cà phê 52, tỉnh Đắk Lắk: Dành 50 tỷ đồng cho tái canh cà phê

Chúng tôi đang thực hiện dự án tái canh 230 ha cà phê, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ nên nếu không có nguồn vốn của ngân hàng thì chúng tôi khó có thể triển khai dự án được. Nguồn vốn đầu tư vào dự án chủ yếu là vốn ngân hàng lên tới 34,5 tỷ đồng. Hiện tại 72 ha cà phê tái canh của công ty được Agribank chi nhánh Đắk Lắk cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ đang phát triển tốt. Năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng tái canh 130 ha, và sang đầu năm 2018 sẽ triển khai 60 ha còn lại. Dự kiến sang năm 2018, có 72 ha cà phê tái canh sẽ cho vụ thu bói đầu tiên với nhiều kỳ vọng khả quan từ giống cà phê năng suất chất lượng cao TRS1.

Ông Nguyễn Văn Huynh, thôn 3, xã Eadar, huyện Eaka, Đắk Lắk: Hiệu quả lớn từ tái canh cà phê

Nhờ nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Đắk Lắk năm 2015, gia đình tôi đã tái canh được 1 ha, năm nay bắt đầu thu bói vụ đầu tiên. Cà phê sau khi tái canh, hạt cà phê vối giống mới to hơn cà phê giống cũ, chịu hạn, úng tốt. Sang năm tới gia đình tôi sẽ tiếp tục tái canh 1,6ha cà phê còn lại mà gia đình đang nhận khoán. Ngoài việc tái canh cà phê, gia đình tôi còn trồng xen canh cây bơ để tăng thêm thu nhập trong vườn cà phê của mình.


Viết Tôn-Quang Huy-Anh Dũng