06:13 19/06/2014

Tác nghiệp tại “điểm nóng”

Trước giờ lên tàu ra Hoàng Sa, tôi và anh Hữu Trung (phóng viên TTXVN) chỉ được thông báo trước nửa ngày, nên việc chuẩn bị đồ dùng cá nhân cũng không được chu đáo như những chuyến công tác khác.

Trước giờ lên tàu ra Hoàng Sa, tôi và anh Hữu Trung (phóng viên TTXVN) chỉ được thông báo trước nửa ngày, nên việc chuẩn bị đồ dùng cá nhân cũng không được chu đáo như những chuyến công tác khác. Các thiết bị phục vụ công việc như máy tính, máy ảnh, máy quay phim, ổ cứng, USB 3G được chúng tôi chuẩn bị hết sức chu đáo, để có thể tác nghiệp tốt nhất và nhanh nhất trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

TTXVN có đầy đủ các loại hình báo chí từ báo hình, báo điện tử, báo in nên các phóng viên TTXVN phải đảm nhiệm vai trò “3 trong 1” tức là vừa quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết bài để gửi về.

Phóng viên Công Định đang tác nghiệp ở Hoàng Sa. Ảnh: PV

Ngày đầu tiên có mặt tại thực địa cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 12 hải lý, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tàu của Trung Quốc, có cả tàu chiến xung quanh khu vực giàn khoan, sẵn sàng truy đuổi, đâm vào tàu của Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam. Chúng tôi ghi lại tất cả những hình ảnh đó ở nhiều góc độ khác nhau. Trong điều kiện biển động, sóng lớn, tàu rung lắc mạnh, rất dễ say sóng, nhưng chúng tôi vẫn phải biên tập, xử lý thông tin, hình ảnh để chuyển về cơ quan trong thời gian sớm nhất. Để không bị say, chúng tôi phải liên tục di chuyển, không được nhìn màn hình máy tính lâu hơn quá 10 phút khi viết bài.

Do điều kiện hoạt động trên biển gần như biệt lập nên việc gửi tin bài, ảnh về đất liền là hết sức khó khăn. Bởi thông tin liên lạc và sóng điện thoại không có. Lúc này, phương tiện duy nhất để có thể liên lạc về đất liền là chiếc điện thoại để bàn trên tàu. Nhưng điện thoại này không gọi trực tiếp đến các tòa soạn được mà phải gọi về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, sau đó phóng viên đọc lại bài viết và nhờ cán bộ tại đây mở máy ghi âm, ghi lại nội dung và chuyển cho các cơ quan báo chí. Tạm thời để đáp ứng nhu cầu thông tin, các phóng viên Truyền hình cũng phải làm theo cách này.

Sau đó, để có những hình ảnh động, nhóm phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam và Truyền hình Việt Nam phải nhờ thiết bị truyền hình ảnh qua vệ tinh do phóng viên của hãng Thông tấn Reuters mang theo. Từ đây những hình ảnh sống động đầu tiên từ hiện trường được truyền về đất liền và phát trên truyền hình. Trong điều kiện tác nghiệp như thế này mới thấy rõ, các phóng viên của Việt Nam còn hạn chế nhiều về thiết bị công nghệ so với các hãng thông tấn báo chí nước ngoài. Họ được trang bị điện thoại vệ tinh, công cụ truyền hình ảnh vệ tinh nên có thể làm trực tiếp từ hiện trường.

Những ngày sau đó, những hạn chế về đường truyền được lực lượng Cảnh sát biển khắc phục, hàng ngày, những hình ảnh về diễn biến mới nhất được phóng viên ghi lại từ hiện trường được truyền về qua đường truyền của Cảnh sát biển. Cứ đều đặn như vậy, hơn 2 tuần, phóng viên TTXVN có mặt tại Hoàng Sa liên tục tác nghiệp và truyền tin bài, ảnh về đất liền trong sự vây ráp của các tàu chấp pháp, tàu chiến của Trung Quốc trên biển, đặc biệt là những máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng thường xuyên quần thảo trên đầu.


Công Định