10:17 13/10/2010

Tác dụng phụ của thuốc: Cần cảnh giác

Ngoài tác dụng điều trị bệnh, hầu hết các loại thuốc trên thị trường hiện nay đều có nguy cơ gây ra phản ứng có hại không mong muốn. Điều này thường gặp ở những trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc.

Ngoài tác dụng điều trị bệnh, hầu hết các loại thuốc trên thị trường hiện nay đều có nguy cơ gây ra phản ứng có hại không mong muốn. Điều này thường gặp ở những trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc.

Phản ứng không mong muốn

Tác dụng phụ có thể xuất hiện sớm, ngay tức thì, trong hoặc sau khi người bệnh sử dụng thuốc. Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thuốc rất đa dạng, có thể nhẹ hay nặng, hoặc nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng người bệnh.

“Khi dùng thuốc, ngoài việc theo dõi tác dụng chữa bệnh, cần quan tâm đặc biệt đến những phản ứng không mong muốn của thuốc”.

Ở thể nhẹ, xuất hiện các triệu chứng bên ngoài dễ nhận thấy như: nổi mày đay, nổi ban đỏ, mẩn ngứa, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, phù, đau đầu... Thông thường, những trường hợp này sẽ tự khỏi, không cần điều trị phức tạp nên người bệnh hay chủ quan, không để ý. Tuy nhiên, nếu lần sau người bệnh tiếp tục sử dụng sẽ gây ra những phản ứng có hại “nặng” hơn lần trước. Điều này rất nguy hiểm.

Nếu ở thể nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở do co thắt phế quản, người tím tái, viêm xuất tiết nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi, mạch đập nhanh, yếu, huyết áp giảm đột ngột, gan, thận, tế bào máu bị tổn thương... Nhiều thuốc có thể gây sốc phản vệ như: kháng sinh (penicilin, ampicilin), vắc xin, huyết hanh, vitamin tiêm tĩnh mạch (B1, B12, C), một số loại thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, thuốc uống...

Dị ứng thuốc xảy ra ngày càng xuất hiện nhiều, vì số lượng thuốc được sản xuất và sử dụng ngày càng tăng; việc sử dụng thuốc quá dễ dãi; người bệnh tự dùng thuốc không cần đơn của bác sĩ; hoặc do một số bác sĩ chưa quan tâm đúng mức tới các tác dụng phụ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, phản ứng có hại ở thuốc kháng sinh là cao nhất, khoảng 40%, thường gặp nhất là ampicilin (loại thuốc này thường được sử dụng nhiều nhất), tiếp đến là penicilin khoảng 20%, sau đó là 15% thuốc chống lao. Ở Việt Nam, phản ứng với thuốc chiếm tỷ lệ cao, hơn 10% ở thể nặng và khoảng 10% số ca bị tử vong.

Một số phản ứng nguy hiểm thường gặp

Bệnh não

Do tuổi cao, suy thận, suy gan, phải kết hợp điều trị nhiều loại thuốc cùng lúc nên người bệnh dễ bị bán mê, hoặc hôn mê. Nếu phát hiện sớm, có thể cứu sống nhờ hồi sức cấp cứu.

Một số loại thuốc có nguy cơ cao gây ra bệnh não gồm: amantadin, amphetamin, chống trầm cảm loại ba vòng, kháng sinh histamin, nhóm atropin, ức chế beta, corticoid, glycosid trợ tim, thuốc an thần kinh, penicilin-procain, thuốc gây rối loạn chuyển hóa như gây hạ đường huyết (isulin sulfamid hạ đường huyết), thuốc tác dụng trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương như barbiturat, dẫn xuất phenothiazin.

Co giật

Một số loại thuốc đang dùng, nếu ngừng đột ngột sẽ gây co giật. Người bệnh đang chữa bệnh động kinh với luminal, khi muốn ngừng lại, phải giảm liều dần dần rồi mới ngừng hẳn. Nếu ngừng đột ngột sẽ gây co giật, động kinh. Nguy cơ dẫn tới tử vong lên tới 25%.

Các loại thuốc dễ gây phản ứng co giật gồm: Vitamin A, sulffamid, corticoid, colistine, thuốc chống trầm cảm, cafein, lithium, kháng sinh nhóm beta-lactam như penicilin, oxacilin, carbenicilin... Nếu tiêm tĩnh mạch liều cao gây co giật, suy thận, nhóm thuốc tăng cường dinh dưỡng não, tăng chuyển hóa não như: meclofenoxat, cerebrolysin gây kích động, khó ngủ và co giật.

Tai biến mắt

Thủy tinh thể, thần kinh thị giác, võng mạc... rất nhạy cảm với thuốc nên khi dùng thuốc quá liều, thời gian kéo dài, hoặc sai sót kỹ thuật trong khi tiêm chích sẽ gây tai biến mắt. Khi đó, người bệnh sẽ bị giảm thị lực, rối loạn thị lực màu, đĩa thị nhạt mầu, xuất hiện ám điểm trung tâm, viêm thị thần kinh, teo thị thần kinh, khô mắt, sẹo dính kết mạc, giác mạc, xuất huyết võng mạc...

Các loại thuốc điều trị toàn thân dễ gây phản ứng phụ gồm: thuốc kháng sinh (cloramphenicol, streptomycin, sulffamid, tetracyclin, acid nalidixic), thuốc chống ký sinh trùng (quinin chữa sốt rét), chống lao (ethambutol, ethionamid, isoniazid), thuốc tim mạch (amiodaron, quinidin), thuốc chữa thần kinh (acetazolamid, pentazocin, phenytoin), thuốc an thần (clorpromazin, levomepromazin, thiothixen), thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ngừa thai, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống trầm cảm (loại ba vòng amitriptylin), thuốc chống parkinson, thuốc ngủ (ketamin, ethchlorvynol).

Trên thực tế, nhiều khi chính các loại thuốc điều trị mắt cũng gây tai biến với mắt, thường là thuốc kháng sinh gentamicin (thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ, hoặc thuốc tiêm dưới kết mạc, cạnh nhãn cầu, vào buồng dịch kính); thuốc chẹn bêta (timolol); thuốc giãn đồng tử, thuốc co đồng tử (pilocarpin, physotigmin).

Rối loạn tim mạch

Phản ứng này thường xuất hiện dưới dạng cấp cứu (tăng huyết áp, hạ huyết áp, sốc, suy tim, đau thắt ngực, ngất, loạn nhịp), diễn biến nhanh chóng. Những triệu chứng nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây tử vong.

Một số nhóm thuốc chủ yếu dễ gây rối loạn tim mạch gồm: thuốc lợi niệu, thuốc ức chế enzym, beta, alpha, thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc co mạch, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn mạch, co mạch.

Rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân cơ bản là do cách uống thuốc, người bệnh uống thuốc khan, không kèm nước, hoặc chỉ uống với một ít nước. Nhất là uống vào buổi tối, ngay trước khi ngủ, viên thuốc lưu lại trong thực quản, cản trở lưu thông không khí, càng nguy hiểm hơn.

Thuốc viên kháng sinh, đặc biệt là tetracylin dễ gây viêm thực quản, tiêu chảy. Ngoài ra, các loại thuốc như: kali clorid, sulfat sắt, thuốc chống viêm steroid, aspirin, thuốc trung hòa HCL, thuốc chống tiết HCl, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc nhuận tràng, thuốc điều chỉnh nhu động ống tiêu hóa… cũng thường gây ra tác dụng không mong muốn đó.

Lời khuyên bác sĩ

Khi dùng thuốc, người bệnh phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian, cách thức và liều lượng sử dụng. Ví du, thuốc dạng xirô không được uống cả chai mà phải đổ ra thìa, vừa kiểm tra được liều lượng và giữ vệ sinh cho những lần uống.

Không được tự ý thay đổi liều lượng (tăng hoặc giảm liều) hoặc ngừng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

Cần hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn kiêng với các loại thực phẩm, sự tương tác với các loại thuốc khác đang sử dụng, với rượu bia...

Không dùng thuốc theo đơn của người khác và không cho người khác dùng đơn thuốc của mình, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết.

Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng khác thường như mẩn ngứa, nổi mày đay, chóng mặt, buồn nôn, khó thở... thì ngừng ngay việc sử dụng thuốc đó và đưa tới khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc hoặc cơ sở điều trị gần nhất (chú ý phải thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc mà mình đã từng bị dị ứng và những loại thuốc hiện đang sử dụng) để bác sĩ theo dõi và cho hướng xử lý kịp thời. Tránh tâm lý chủ quan, coi thường các phản ứng nhẹ dẫn tới hậu quả đáng tiếc sau đó.