04:22 09/04/2015

Syria đối mặt nhiều nguy cơ sau khi IS thất bại ở Iraq

Trong bối cảnh lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu hứng chịu thất bại nặng nề tại Iraq, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng các tay súng của tổ chức cực đoan này sẽ điên cuồng tăng cường sự hiện diện tại nước láng giềng Syria.

Trong bối cảnh lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu hứng chịu thất bại nặng nề tại Iraq, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng các tay súng của tổ chức cực đoan này sẽ điên cuồng tăng cường sự hiện diện tại nước láng giềng Syria.

Hiện trường một vụ đánh bom ngày 8/4 tại thị trấn Marea, phía bắc thành phố Aleppo, Syria được cho là do IS tiến hành. Ảnh: AFP/TTXVN



Ngày 1/4, quân đội Iraq - với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân người Shi'ite - đã giải phóng thành phố Tikrit, phía tây bắc thủ đô Baghdad. Chiến thắng này mở đường cho quân đội Iraq đánh bật các tay súng cực đoan của IS khỏi thành phố Mosul - thủ phủ tỉnh Niveneh.

Giới phân tích cho rằng việc các tay súng của IS tìm cách tháo chạy khỏi các vùng chiến sự dọc đường biên giới với Syria tuy là tin tốt đối với người dân Iraq song lại làm gia tăng không ít nguy cơ đối với quốc gia láng giềng. Trên thực tế, IS đang ngày càng giành được nhiều ảnh hưởng tại Syria - nơi cuộc nội chiến khốc liệt đã bước sang năm thứ 5. Các tay súng của IS không những không vấp phải sự phản công quyết liệt như ở Iraq mà thậm chí còn bành trướng được thế lực mạnh mẽ hơn. Ngày 1/4, trong khi lực lượng IS tại Iraq bị đánh bật khỏi Tikrit, các tay súng của tổ chức khủng bố này tại Syria đã tấn công và giành quyền kiểm soát 70% diện tích khu trại tị nạn của người Palestine ở phía nam thủ đô Damascus.

Ông Maher Murhej - lãnh đạo Đảng Thanh niên Syria - nói: "Dĩ nhiên những thất bại của IS tại Iraq là điều rất đáng mừng nếu xét kết quả rằng chúng ta đã làm suy yếu tổ chức khủng bố này cũng như cắt đứt nguồn tài chính thu được từ dầu mỏ của chúng. Tuy nhiên, cuối cùng chính chúng ta (người Syria) mới là những người hứng chịu hậu quả của điều này". Ông Murhej cho rằng "hàng nghìn tay súng người Iraq chiến đấu dưới ngọn cờ IS sẽ chạy trốn sang Syria khi chúng phải hứng chịu thất bại tại Iraq".

Một nhà phân tích khác tên là Mahmour Muri nhận định "rõ ràng đã có một sự đồng thuận mang tính quốc tế và khu vực về quyết tâm đánh bại IS tại Iraq nhưng dường như lại không có điều tương tự tại Syria". Theo ông, Mỹ đã phối hợp ăn ý chiến dịch không kích của quân đội liên minh với các cuộc tấn công của quân đội Iraq, song họ lại từ chối bắt tay với quân đội chính quyền Syria. Lực lượng liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã tấn công các mục tiêu và căn cứ của IS tại miền Bắc và miền Đông Syria kể từ hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên chiến dịch này cho tới nay dường như vẫn không thể cản bước IS.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Osama Danura, sự thất bại của IS tại Tikrit là chiến thắng dành cho quân đội Iraq và là dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố này không thực sự có được sự ủng hộ của người dân tại đây. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Syria và Iraq đứng trên cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến chống lại IS và không thể tách rời nhau được. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể khôi phục an ninh Iraq mà lại phớt lờ Syria. Với những ảnh hưởng duy trì tại Syria, IS vẫn sẽ có thể gây nên những rắc rối và hỗn loạn tại Iraq, vì vậy vấn đề của hai nước là một vấn đề chung". Theo nhà nghiên cứu này, để làm suy yếu sức mạnh của IS tại cả hai chiến trường, cần phải có một sự phối hợp ở mức cao giữa hai nước cũng như những chia sẻ và thống nhất về mệnh lệnh và hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang Iraq và Syria.

Ông Danura nhấn mạnh, cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria không thể được tiến hành một cách riêng rẽ bởi các tay súng của tổ chức này tại Iraq và Syria là "cùng một giuộc" và chúng sẽ không dừng lại chừng nào chưa bị diệt tận gốc. Ông nói: "IS không quan tâm tới đường biên giới giữa Iraq và Syria bởi hệ tư tưởng cực đoan của chúng mang tính phi biên giới. Chúng sẽ tìm cách thâm nhập hệ tư tưởng này vào bất kỳ quốc gia nào có thể".
Cũng theo nhà nghiên cứu này, "nếu liên minh quốc tế chống khủng bố chỉ hướng tới mục tiêu làm suy yếu lực lượng IS tại Iraq mà lại phớt lờ những gì đang diễn ra tại Syria thì những gì họ đang làm thậm chí sẽ phản tác dụng và kích động hơn nữa các tay súng cực đoan tại IS, khiến chúng không những tăng cường sự hiện diện tại Syria mà còn điên cuồng bành trướng sang các quốc gia khác trong khu vực".

TTK