01:14 05/01/2017

Suýt mất vành tai và tóc vì đi làm đẹp ở tiệm uốn tóc

Đi làm tóc ở một tiệm uốn tóc gần nhà, cả hai bệnh nhân đều bị bỏng khá sâu dẫn đến một người phải cắt 1/3 vành tai, còn một người thì phải ghép da đầu phía sau.

Ngày 5/1, các bác sĩ ở Khoa Bỏng tạo hình- Thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện đang điều trị cho hai bệnh nhân bị bỏng sâu rất nặng do đi làm tóc. Cả hai trường hợp này đều là những trường hợp tới điều trị muộn nên những phần tổn thương bị sâu hơn.


Trường hợp đầu tiên là chị T. T, 39 tuổi (quận Tân Bình), bị bỏng sâu vành tai trái do đi hấp dầu. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi đi hấp dầu ở một tiệm uốn tóc quen, nửa tiếng sau thấy vành tai trái bị sưng đỏ, hơi rát rát. Nhưng do nghĩ  bị đau nhẹ nên chị T. đã tự ra ngoài mua thuốc bỏng, nước muối về bôi và điều trị.


Chị T.T chia sẻ: "Thấy phần tai bị đóng mày, có lên mủ xanh nên tôi đi mua thuốc về bôi nhưng vẫn không giảm mà còn thấy bị nặng hơn. Sau gần 3 tuần tự điều trị không hết, tôi đến khám bác sĩ tư nhưng bác sĩ nói phải tới bệnh viện vì trường hợp của tôi khá nặng. Tới bệnh viện khám thì các bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện ngay. Tôi thường xuyên đi hấp dầu ở tiệm này nhưng đây là lần đầu tiên bị như thế".


Bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng tạo hình - Thẩm mỹ của bệnh viện, cho biết bệnh nhân đến bệnh viện khám từ ngày 2/1 khi vành tai trái đã bị hoại tử đen 1/3 và bị bỏng 1/2 vành tai. Những phần hoại tử phải cắt đi và sẽ được tạo hình lại, tuy nhiên kích thước vành tai của bệnh nhân có thể nhỏ hơn trước. Những phần còn lại các bác sĩ sẽ cố gắng giữ và chăm sóc điều trị.

Chị T.T đến bệnh viện trong tình trạng một phần vành tai trái bị hoại tử rất sâu.


Theo bác sĩ Hồng Ngọc, ca bỏng tai thì nhiều nhưng trường hợp bỏng tai do đi hấp dầu thì giờ mới thấy. "Chỉ do nước sôi hay hơi nóng bình thường thì không thể bị bỏng sâu như vậy, đây có thể là do hóa chất hấp dầu gây ra", BS Ngọc nói.


"Khu vực vành tai đặc biệt hơn so với những vùng khác trên cơ thể, bởi từ da tới sụn liền nhau, nếu không chăm sóc tốt sụn rất dễ bị hoại tử, có thể làm mất cả tai. Khi bị tổn thương bỏng ở tai, bệnh nhân nên dùng nước mát liên tục trong vòng 20 phút, sau đó đi đến những bác sĩ chuyên khoa khám để hạn chế những vết thương sâu hoặc phải cắt bỏ phần bỏng đó đi ", bác sĩ Ngọc lưu ý.

Phần da đầu phía sau bị bỏng không thể mọc tóc được.

Còn trường hợp thứ 2 là một bé gái 16 tuổi, ở Lâm Đồng đi uốn tóc và bị bỏng một mảng đầu ở sau. Theo tìm hiểu bệnh sử, 4 tuần trước khi nhập viện bệnh nhân này đã đi uốn tóc. Ttrong lúc uốn, phần làm nóng tóc để xoăn xì ra và bị chập dẫn đến một phần da đầu phía sau bị bỏng. Ban đầu bệnh nhân cũng tưởng nhẹ, ở nhà tự chăm sóc nhưng tình trạng ngày càng trầm trọng nên bệnh nhân đã đến bệnh viện để điều trị.

Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp bị bỏng da đầu khá sâu. Phần bị bỏng này, bác sĩ phải lấy da ở một bộ phần nào đó của bệnh nhân để ghép lại phần da đầu bị bỏng. Tuy nhiên, phần da được ghép đó không thể mọc tóc được. Bệnh nhân này đã được điều trị tại bệnh viện khoảng 10 ngày và đang dần hồi phục khá tốt.


Cả hai trường hợp trên đều là những trường hợp tới muộn nên đã bị tổn thương sâu hơn. Dù 2 vết bỏng nhỏ nhưng để lại ảnh hưởng lớn về thẩm mỹ đối với bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có vấn đề xảy ra khi bị bỏng phải sơ cứu đúng cách như phải dùng nước mát làm mát khu vực bị bỏng và tới ngay địa điểm cấp cứu gần nhất, hay những bệnh viện chuyên khoa để điều trị ngay từ đầu.

Đan Phương