04:20 12/04/2015

Suýt mất oan 400 triệu đồng làm 'sổ đỏ'

Sự việc một UBND quận nội thành Hà Nội tắc trách khiến một gia đình suýt mất oan 400 triệu đồng liên quan tới sổ đỏ đã gây bức xúc trong dư luận.

Sự việc chính quyền một UBND quận nội thành Hà Nội tắc trách khiến một gia đình suýt mất oan 400 triệu đồng liên quan tới sổ đỏ đã gây bức xúc trong dư luận.

Gia đình ông Nguyễn Quý Dương và bà Phạm Thị Song Anh ở số 9A ngách 178/2 đường Giải phóng, quận Thanh Xuân, phản ánh về việc UBND quận này, áp dụng sai chính sách dẫn đến việc gia đình này phải nộp hơn 360 triệu đồng khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho thửa đất giãn dân có diện tích 32 m2.

Trong khi thực tế theo quy định hiện hành, đối với trường hợp này được miễn 100% tiền sử dụng đất khi làm "sổ đỏ". Việc áp dụng sai cơ chế chính sách đã đành, phần nữa do sự quan liêu và tắc trách của cán bộ, không giải thích rõ cho người dân được biết, dẫn tới người dân phải mất nhiều thời gian khiếu nại lên các cấp thẩm quyền, làm cho sự việc càng thêm rối.

Qua tìm hiểu được biết, thửa đất trên thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Quý Dương và bà Phạm Thị Song Anh tại địa chỉ số 9A ngách 178/2 đường Giải phóng, quận Thanh Xuân, có diện tích đất là 32,18 m2. Nguồn gốc thửa đất là do gia đình ông mua lại của một chủ cũ, được quận Thanh Xuân cấp đất giãn dân từ năm 1984. Gia đình ông đã sử dụng ổn định từ đó đến nay, hàng năm đều nộp thuế đầy đủ theo quy định.

Cuối năm 2014, gia đình ông Dương nộp hồ sơ đến quận Thanh Xuân để xin được cấp "sổ đỏ" theo đúng quy định. Sau một thời gian chờ đợi, gia đình ông mới “té ngửa”, khi nhận được thông báo của quận Thanh Xuân về việc phải nộp 100% số tiền sử dụng đất, tương ứng với số tiền 365.462.000 đồng.

Quá bất ngờ với số tiền trên, gia đình ông đã tới làm việc với Phòng Tài nguyên Môi trường quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, do chưa được giải thích thấu đáo, gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, đặc biệt phải nhờ đến cả cơ quan tư vấn luật để kêu oan.

Trước bức xúc của người dân, UBND thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên Môi trường đã vào cuộc và kết luận gia đình ông bị "tính oan", do đơn vị chức năng quận Thanh Xuân áp dụng chưa đúng quy định hiện hành của nhà nước và thành phố.

Lý giải điều này với phóng viên, ông Đinh Tiến Sỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân cho biết, do trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, cán bộ trực tiếp thụ lý đã không kiểm tra kỹ hồ sơ, do đó không xác định được thửa đất của gia đình ông Dương nằm trong diện cấp đất tái định cư và được miễn 100% tiền sử dụng đất. Gia đình ông Dương chỉ phải nộp tiền phí chuyển nhượng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân.

Ông Sỹ thẳng thắn thừa nhận có sự chủ quan, thiếu sót của cán bộ chuyên môn trong quá trình thẩm định hồ sơ, đồng thời cũng nhận trách nhiệm về mình do tin tưởng cấp dưới khi ký quyết định thực hiện nghĩa vụ tài chính với gia đình ông Dương, trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình này.

Sau sự việc này, lãnh đạo các cấp chính quyền quận Thanh Xuân và trực tiếp là Phòng Tài Nguyên và Môi trường quận đã tổ chức tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc từ lãnh đạo phòng tới các nhân viên, trong việc rà soát, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Để đảm bảo sự công khai, minh bạch, không có chuyện bôi trơn khi cấp "sổ đỏ", tất cả các nhân viên trong phòng đều phải ký cam kết với lãnh đạo quận về việc thực hiện đúng chức trách, pháp luật, không gây phiền hà, sách nhiễu người dân khi giải quyết công việc liên quan đến nhà, đất.

Đồng thời, ông Đinh Tiến Sỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết phòng Tài nguyên và Môi trường quận còn quy định, cán bộ, nhân viên của Phòng không được tiếp xúc với người dân trong quá trình cấp “sổ đỏ”, chỉ giao dịch tại bộ phận "Một cửa".

Tuy nhiên, sự việc trên cũng khiến người dân nghi ngại, liệu đã có trường hợp nào tương tự bị áp thuế sử dụng đất chưa phù hợp, có người bị oan sai trong lĩnh vực đất đai hay chưa...?

Trao đổi với anh Nguyễn Phương Hà, giảng viên đại học đang nghiên cứu sinh tiến sỹ về ngành luật cho biết, đôi khi do cách làm chủ quan, thậm chí quan liêu, máy móc của một số cán bộ, nhất là cán bộ địa chính dẫn tới hộ dân bị áp thuế đất chưa phù hợp với quy định.

Với những người dân ít hiểu biết pháp luật sẽ "răm rắp" đi nộp thuế để làm “sổ đỏ”. Tất nhiên, cách làm đó không phải do cán bộ địa chính tư túi (trừ trường hợp ủy quyền làm hộ), vì tiền phải nộp cho cơ quan thuế và kho bạc.

Tuy nhiên, "khổ chủ" thì lại rất thiệt hại về kinh tế, tinh thần. Theo anh Hà, một điều tệ hại hơn, là chính từ việc áp dụng chính sách chưa chuẩn, dẫn đến người dân không biết đâu mà lần, chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục, cũng như tiền nong...

Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục cấp “sổ đỏ”, trong đó có việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, trên cơ sở sáp nhập tất cả các Văn phòng đăng ký đất đai và nhà ở của các quận, huyện trước đây.

Việc làm này nhằm cải cách các thủ tục hành chính, thống nhất cách làm từ cấp thành phố đến cơ sở, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho người dân.


Mạnh Khánh (TTXVN)