06:21 09/06/2016

Suýt mất mạng vì bị nhiễm liên cầu lợn

Chiều 9/6, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị liên cầu lợn. Bệnh nhân tên P.T.L, sinh năm 1964 ngụ tỉnh An Giang, làm nghề buôn thịt lợn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng với các biểu hiện như sốt, giẫy giụa, bị suy hô hấp nặng phải thở máy…

Bác sĩ Trần Quang Bính, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới (bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết qua kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn - một loại vi khuẩn gây ra bệnh đường hô hấp cho lợn nhưng có khả năng lây lan sang người. Trước tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng kháng sinh, ngăn chặn tình trạng viêm màng não. Tuy nhiên, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê và phải được thở bằng máy. Sau 8 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện hiện bệnh nhân đã hồi phục và sức khỏe ổn định.

Sau 8 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện hiện bệnh nhân đã hồi phục và sức khỏe ổn định.


Theo bác sĩ Trần Quang Bính, bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn gây bệnh lây từ lợn sang người. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày và thời gian ủ bệnh càng ngắn chứng tỏ độc lực gây bệnh càng cao. Bệnh nhân nhập viện trễ có nguy cơ tử vong 70- 80%. Người mắc bệnh này thường có các triệu chứng sốt, đau họng, cứng cổ, ói mửa, sợ ánh sáng, ù tai, giảm thính lực, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng... Khi có biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ sau đó. Theo thống kê ghi nhận, 40% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn bị biến chứng suy đa tạng và 60% còn lại bị viêm màng não.


Theo các bác sĩ, để phòng tránh mắc bệnh liên cầu lợn, người dân cần hạn chế tiếp xúc với lợn bị bệnh vì khả năng nhiễm bệnh cao. Các đối tượng như người chăn lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người suy giảm miễn dịch cần thận trọng khi tiếp xúc với lợn bị bệnh và phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động. Đối với người tiêu dùng, nên chọn mua thịt lợn sạch đã được thú y kiểm dịch, không nên mua loại thịt có dấu hiệu sốt huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường và tuyệt đối không ăn thịt tái và tiết canh...

Tin và ảnh: Đan Phương