06:09 11/06/2017

Sức sống Trường Sa - Bài 2: Thầy thuốc với biển đảo quê hương

Làm việc ở tuyến sau nhưng nhiệm vụ của những người thầy thuốc ở Trường Sa cũng vất vả, gian khó như một người lính.

Khám và chăm sóc sức khỏe cho quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Việt Cường/TTXVN

Xa gia đình đã cả năm trời, điều kiện làm việc, trang thiết bị tại các đảo, điểm đảo không thể như đất liền nhưng những thày thuốc vẫn cần mẫn làm việc vì đồng đội của mình và bà con ngư dân đang vươn khơi, bám biển.

Tuyến đầu chăm sóc sức khỏe cho ngư dân

Người ta có thể dự phòng tiền bạc, vật chất nhưng khó dự phòng được sức khỏe. Do làm việc ở môi trường khắc nghiệt, điều kiện ăn uống, sinh hoạt vất vả nên bệnh tật có thể ập đến với mỗi ngư dân bất cứ lúc nào, từ những bệnh thông thường như cảm, sốt đến nhiều bệnh nguy hiểm khác như tai nạn thương tích, tai biến, viêm ruột thừa.

Rất nhiều loại bệnh, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời hậu quả để lại sẽ nặng nề, thậm chí tử vong. Trong những ca cấp cứu nguy hiểm, không thể không nhắc tới những ca viêm ruột thừa cấp, vỡ. Ở đất liền, cấp cứu những ca bệnh này đã vất vả, khó khăn, công tác cấp cứu trên biển còn gian nan gấp nhiều lần.

Bác sĩ Trần Quang Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh, có dáng người cao ráo, thanh mảnh, gương mặt nồng hậu. Anh là một trong những bác sĩ thuộc Bệnh viện 7 (đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương) tăng cường ra công tác tại Trường Sa gần một năm nay. Thời gian công tác tại đảo chưa dài nhưng bác sĩ Dũng đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân với những ca bệnh khó, trong đó phải kể đến ca cấp viêm ruột thừa vỡ ở giờ thứ 40.

Bác sĩ Dũng cho biết: “Bệnh nhân được chuyển đến đảo lúc 21 giờ trong tình trạng đau bụng quằn quại. Dù trang thiết bị chưa đầy đủ nhưng bằng kinh nghiệm điều trị của mình, chúng tôi chẩn đoán đây là ca viêm ruột thừa.” Anh cùng ba y sĩ tại bệnh xá tiến hành gây mê, mổ cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai khi đến thăm đảo Phan Vinh đã đánh giá rất cao thành công của ca bệnh này. Theo ông Sơn, ở đất liền cấp cứu cho một bệnh nhân như vậy cần có kíp phẫu thuật giỏi, gây mê tốt. Trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị và nhân lực, kíp mổ tại đảo Phan Vinh phải rất vất vả, nỗ lực, chuyên môn vững mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Cùng với bác sĩ Dũng, ở bất cứ đảo nào cũng có các thầy thuốc đang lặng thầm làm việc. Trung úy Đỗ Văn Kiên sau khi tốt nghiệp tại Học viện Quân y đã tình nguyện ra Trường Sa và làm việc tại đảo Đá Tây A. Trong căn phòng làm việc nhỏ bé, giá sách của Kiên vẫn có những cuốn sách tiếng Anh và sách y học. Kiên cho biết, những ngày ở Trường Sa là những ngày quý báu để anh tích lũy kiến thức y học về biển đảo, sau này có thể tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này để phục vụ tốt lực lượng Hải quân và bà con ngư dân.

Kết nối những trái tim

Hệ thống y tế biển đảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, vì thế ở một số đảo, đặc biệt là đảo nhỏ rất thiếu trang thiết bị. Nhưng nếu được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, cũng chỉ vài tháng ở đảo, những phương tiện này cũng bị hư hại vì không khí nhiễm mặn. Song, vượt lên những khó khăn, vất vả, khắc nghiệt ấy, những trái tim thầy thuốc vẫn đang nỗ lực xây dựng hệ thống y tế biển đảo ngày càng vững mạnh.

Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh viện Bạch Mai đã kết nghĩa với lực lượng lượng y học Hải quân, hợp tác, giúp đỡ xây dựng quy trình chuyên môn và đào tạo y khoa. Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, đào tạo, do đó, lực lượng y tế Hải quân có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai thông qua trao đổi kinh nghiệm với y tế Hải quân có thể bổ sung, nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực y học biển. Hai bên đang nỗ lực rà soát những tồn tại, vướng mắc trong xây dựng y tế biển đảo để có đề xuất, kiến nghị với cấp trên. Điều cần nhất trong xây dựng y tế biển đảo là phải xây dựng hệ thống đảm bảo từ việc sơ cấp cứu ban đầu đến điều trị chuyên sâu."

Mỗi thầy thuốc sẽ hướng về Trường Sa theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều chung mong muốn sẽ trở thành “hậu phương” của chiến sĩ Trường Sa để người thân của các anh có thể nhờ cậy giúp đỡ khi cần. Trong đoàn công tác, có bác sĩ lặng lẽ trao tặng những món quà kèm theo địa chỉ, điện thoại cá nhân, có bác sĩ khẳng định trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ về những gì mình có thể giúp đỡ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương lần thứ hai đến với Trường Sa. Ông cho biết: “Từ năm 2016, Bệnh viện đã có chính sách hỗ trợ 100% viện phí cho tứ thân phụ mẫu, vợ, con các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa và đã có 10 trường hợp được hưởng chính sách này. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể hỗ trợ người thân của các anh để các anh luôn yên tâm công tác”.

Minh Thu (TTXVN)