01:02 29/01/2013

Sức sống mới ở làng Tung, Gia Lai

Những ngày đầu năm mới 2013, chúng tôi có dịp về công tác tại làng Tung, thuộc huyện Chưprông (Gia Lai) - một trong hơn 60 làng nằm trong vùng dự án phát triển cây cao su và đã ghi nhận được nhiều điều vui.

Những ngày đầu năm mới 2013, chúng tôi có dịp về công tác tại làng Tung, thuộc huyện Chưprông (Gia Lai) - một trong hơn 60 làng nằm trong vùng dự án phát triển cây cao su và đã ghi nhận được nhiều điều vui.

 

Cạo mủ cao su.

Không khí chuẩn bị đón Xuân Quý Tỵ cùa bà con ở đây thật rộn ràng. Nhà nào cũng tất bật làm vệ sinh môi trường sạch sẽ, cờ Tổ quốc được treo dọc 2 bên đường đi. Trong nhà, bà con chọn vị trí trang trọng nhất để đặt ảnh chân dung Bác Hồ, treo Thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức năm 1946 tại Plâycu. Tất cả điều đó đã thể hiện sự khởi sắc về đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.


Làng Tung có 104 hộ, với hơn 500 nhân khẩu đều là người dân tộc J'rai, đã định canh, định cư ổn định từ hơn 20 năm nay. Cuộc sống của bà con đã dần "thay da đổi thịt", nhất là sau khi có dự án vùng cao su phát triển đã tạo thêm sức mạnh trong việc chăm lo và tạo điều kiện hơn để dân làng phát triển. Những con đường làng đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa khô, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hệ thống điện lưới quốc gia được kéo đến tận hộ, không những dùng để thắp sáng, mà còn phục vụ cho sản xuất và các sinh hoạt khác trong mỗi gia đình. Nhà nào cũng mua được ti vi, xe máy và sắm sửa bàn ghế, giường tủ; có nhiều nhà "tậu" được cả máy cày, xe công nông. Đáng mừng hơn , 100% con em trong độ tuổi đều được đến lớp học, bởi nhận thức của bà con được nâng cao và coi cái chữ như là "cái gốc" của cuộc đời. Các hủ tục đã cơ bản được xóa bỏ.


Làng Tung giờ đây đã cơ bản thoát được cảnh đói nghèo từ nhiều năm nay bởi có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi mạnh mẽ nhờ cây cao su. Công ty TNHH MTV cao su Chưprông được coi là "bà đỡ" của dân làng, không những góp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm" mà còn hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất. Trong làng có hơn 20 lao động được công ty tiếp nhận vào làm công nhân cao su, kiến thức và tay nghề qua đào tạo đã được nâng cao một cách rõ rệt. Bình quân mỗi tháng số công nhân này đều có mức thu nhập từ 6,5 - 7 triệu đồng/người; cuối năm, còn có thêm mức thưởng vượt định mức từ 20 - 30 triệu đồng/người. Đây là khoản tiền thu nhập thực tế mà trước đây dân làng có "nằm mơ" cũng không thấy. Bà con đã biết tận dụng quỹ đất để đưa vào trồng cao su có sự hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật của Công ty TNHH một thành viên cao su Chưprông. Hiện nay cả làng đã trồng được khoảng 25 ha cao su tiểu điền, nhà ít nhất là 0,5 ha, có nhà trồng được vài ha. Mặc dù đến thời điểm này, diện tích cao su tiểu điền chưa đến thời kỳ cho khai thác mủ song đã hứa hẹn nguồn thu nhập ổn định trong một vài năm tới.


Ngoài ra, bà con làng Tung còn phát triển được một diện tích cà phê khá lớn, nhà nào cũng trồng được từ 300 - 400 cây cà phê trong vườn nhà, vườn đồi; chuyển đổi và phát triển được gần 10 ha lúa nước 2 vụ. Nhờ phát triển các loại cây trồng kinh tế, nhiều hộ trong làng đã giàu lên trông thấy, có nhà đạt mức thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm, như nhà ông KLo. Già làng Siu Bai phấn khởi: "Dân làng Tung mình hết khổ cực là nhờ ơn Đảng và công ty cao su đã chăm lo đến đời sống của dân làng, từ chỗ đói nghèo vươn lên no ấm và yên bình. Điều này, bản thân mình cũng như dân làng đã rõ và nguyện nghe và làm theo lời Đảng. Tuy nhiên, điều kiện làm giàu của dân làng vẫn còn nhiều, mình mong Đảng, công ty quan tâm hơn nữa giúp cho cuộc sống bà con ngày càng khá giả và sung sướng hơn...".

Bài và ảnh: Văn Thông