01:10 15/01/2011

Sức lan tỏa từ đờn ca tài tử

2.019 câu lạc bộ (hoặc nhóm) Đờn ca tài tử (ĐCTT) với 22.643 thành viên tham gia; 2.850 nhạc cụ có trong các câu lạc bộ là những con số không hề nhỏ, cho thấy sức lan tỏa của loại hình văn hóa này trong cộng đồng ở nhiều địa phương Nam bộ.

2.019 câu lạc bộ (hoặc nhóm) Đờn ca tài tử (ĐCTT) với 22.643 thành viên tham gia; 2.850 nhạc cụ có trong các câu lạc bộ là những con số không hề nhỏ, cho thấy sức lan tỏa của loại hình văn hóa này trong cộng đồng ở nhiều địa phương Nam bộ.

ĐCTT Nam bộ giống như một “phương tiện” để giãi bày tâm tư, diễn đạt đủ mọi cung bậc tình cảm của người Nam bộ, vốn chứa đựng bao nỗi thăng trầm, cơ cực, cũng như khoái cảm hoan ca, những niềm vui khôn xiết, tràn đầy trong tâm hồn phóng khoáng.


Người chơi phải làm sao đưa người nghe trở về với cội nguồn xa xưa, được nếm trải những buồn vui, những cay đắng gian truân của một thời khai hoang mở cõi.

Hiện nay, các tỉnh Nam bộ đã và đang có nhiều hoạt động để phát triển và bảo tồn ĐCTT. Điển hình như Bạc Liêu - một trong những cái nôi của ĐCTT, cũng đã có những hoạt động tích cực để khôi phục phong trào này.

Đờn ca tài tử đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.


Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, dù ở Bạc Liêu hoạt động tân nhạc khá phổ biến, nhưng phong trào ĐCTT vẫn diễn ra sôi nổi, đi vào tận cơ quan, trường học, thậm chí đi vào từng nhà, từng người.


Người dân Bạc Liêu, từ thành thị tới nông thôn, hầu hết ít nhiều đều biết nghe và ca vọng cổ hay bản tài tử. Tại nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt trong trường học, vào những dịp hội nghị, liên hoan, lúc nghỉ giải lao hoặc những dịp sinh hoạt cộng đồng, hầu hết đều có ca nhạc tài tử.

Hiện trong tỉnh có 69 đội nhóm, câu lạc bộ ĐCTT. Đặc biệt, ở vùng đất này luôn nổi tiếng với truyền thống ĐCTT mang tính chất gia truyền mà không phải tỉnh Nam bộ nào cũng có.


Dòng họ ông Nhạc Khị là một minh chứng với 4 thế hệ gồm 6 người là nghệ sĩ thành danh như: Nhạc Khị - thế hệ thứ nhất; Ba Chột - thế hệ thứ hai; Kim Sang, Kim Hồng, Văn Em, Phát Hòa - thế hệ thứ ba và một vài người con của ông Lê Phát Hòa thuộc thế hệ thứ tư.


Trong quá trình hòa đờn, phối khí hay minh họa trong các bài ca tài tử, giới ĐCTT Bạc Liêu luôn thể hiện phong cách độc đáo của riêng mình.

Không chỉ ở những “cái nôi” của ĐCTT, mà ngay ở những địa phương như: Bình Dương, tuy không phải là cái nôi của ĐCTT, nhưng thời gian gần đây các câu lạc bộ, số hội viên và những sáng tác về ĐCTT đã phát triển mạnh mẽ.


Nhiều câu lạc bộ của các phòng văn hóa huyện, xã còn đưa nội dung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền lối sống văn minh, bài trừ các tệ nạn xã hội vào nghệ thuật ĐCTT và đã có những hiệu quả nhất định, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, của chính quyền được người dân tiếp thu một cách tự nhiên.

Để bảo tồn và phát triển ĐCTT, bên cạnh việc tạo không gian biểu diễn, giao lưu học hỏi và tích cực giới thiệu với du khách gần xa, cần tạo cơ hội cho ĐCTT tiếp cận với lớp khán giả mới bằng cách đưa nghệ thuật ĐCTT đến các trường học để tiếp cận thế hệ trẻ, nhân rộng các mô hình sinh hoạt nhóm đội, gia đình ĐCTT...


Các soạn giả cũng cần viết thêm nhiều lời mới gần gũi với đời sống hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước và ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tăng chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, các hạt nhân phong trào, nhất là ở cơ sở.

Lan Phương