Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế: Lợi cả 4 đường

Dự kiến cuối năm 2015, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được hưởng cùng 1 mức giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.


Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (gồm phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ 1/3/2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bao gồm cả tiền lương.

Trong năm 2016, xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT. Đây là nội dung Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào tháng cuối tháng 11 đầu tháng 12/2015 tới.

Khám chữa bệnh cho trẻ em tại trạm y tế xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, TP. Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế


Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính ( Bộ Y tế) cho biết, nếu như trước đây, Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá, các địa phương tự xây dựng giá và HĐND tình phê duyệt thì trong Thông tư này, Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cố định và các bệnh viện trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng và sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế tăng giá.

Việc ban hành Thông tư sẽ chấm dứt việc mỗi tỉnh quy định một mức giá khác nhau, dẫn đến một điều vô lý là cùng hạng bệnh viện nhưng mức giá dịch vụ giữa các tỉnh lại khác nhau. Có tỉnh nghèo nhưng do đông người nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí, tỷ lệ dân tham gia BHYT cao nên mạnh dạn phê duyệt mức giá cao, sát khung. Còn các tỉnh khá nhưng có tỷ lệ dân tham gia BHYT thấp nên phê duyệt mức giá thấp...

Điều này cũng dẫn đến việc khi người dân đi khám bệnh giữa các tỉnh sẽ bị thiệt thòi. "Giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả nó là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện, không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT (hoặc mức "bồi hoàn" chi phí khám, chữa bệnh của BHYT cho người bệnh có thẻ BHYT)".

Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí bao gồm thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo Thông tư, giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm giá khám bệnh (theo hạng bệnh viện), giá ngày giường (theo hạng bệnh viện và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng bệnh viện. Phương án này sẽ khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ và được BHYT thanh toán ngay tại địa bàn.

Y tế cơ sở gồm tuyến huyện và xã sẽ có điều kiện để phát triển, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới. Bác sĩ Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng chia sẻ, việc tính giá dịch vụ y tế bao gồm tiền lương, phụ cấp sẽ giúp các bệnh viện tự chủ về nguồn nhân lực.

Hiện nay lương biên chế mà thành phố cung cấp cho Bệnh viện chỉ đạt 50 tỷ, trong khi Bệnh viện đang phải chi phí tới 120 tỷ. Biên chế do Thành phố quy định chỉ đáp ứng 70% quy định của Bộ Y tế, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Do kinh phí thiếu, giá dịch vụ thấp, chưa tính lương nên nhiều khoản phụ cấp theo quy định Bệnh viện vẫn chưa chi trả được cho nhân viên.

Hiện Bệnh viện có chỉ tiêu giường là 1.000 nhưng luôn phải kê 1.300 giường để bệnh nhân không phải nằm ghép. Tuy nhiên, kinh phí Nhà nước cũng chỉ cấp cho 1.000 giường, còn lại do Bệnh viện tự xoay sở nên bệnh nhân cũng sẽ bị thiệt thòi...

Lợi cả 4 đường

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính khẳng định, việc liên bộ ban hành Thông tư quy định mức giá gồm chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, khách quan, theo quy định của pháp luật. Việc tăng chi phí không phải để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Việc ban hành Thông tư sẽ tác động trực tiếp vào 4 đối tượng bao gồm người bệnh, cơ sở y tế, quỹ BHYT và Nhà nước. Trong đó, người bệnh không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn (người có thẻ được bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi), đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.

Ngoài ra, việc áo dụng Thông tư mới sẽ giúp khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT có lợi vì theo theo quy định, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tré - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95% (trừ trẻ em < 6 tuổi được 100%), đồng chi trả 5%) được BHYT thanh toán phần tăng thêm.


Với đối tượng cận nghèo được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, hiện nay 40% đã có thẻ BHYT. Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều.

Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này.

Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Việc áp dụng Thông tư sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế; thúc đẩy xã hội hóa y tế; bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian vừa qua.

Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Đối với Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017, từ 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật quy định tối đa 6%, hiện nay đóng 4,5% lương).

Khi điều chỉnh giá đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến trong năm 2016) sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT. Ngoài ra, do coi BHYT là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội nên nhà nước đã quy định bắt buộc tham gia BHYT.

Việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT vì nếu không tính đủ, giá thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.

Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

Nguyễn Bích Thuỷ (TTXVN)
Cho ý kiến việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế
Cho ý kiến việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 41, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN